Mẹ là suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn

PV | 26/03/2023, 07:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bài thơ “Mẹ” (Ngữ văn 7, tập 1, Cánh diều) thể hiện nhiều nỗi niềm của nhà thơ Đỗ Trung Lai...

Trên khuôn mặt của mẹ sẽ không chỉ xuất hiện những nếp nhăn, mái tóc không chỉ nhuốm màu bạc, mà tấm lưng kia đã mòn lõm theo thời gian khi đã chịu quá nhiều những vất vả, khi đã gắn trên vai những trách nhiệm của một đời bận rộn. Trời và đất, cao và thấp cứ chênh chao nhất là khi nhà thơ sử dụng nhịp thơ bốn chữ tạo ra cảm giác thổn thức, nghẹn ngào. Phép nói giảm nói tránh “mẹ thì gần đất” chắc hẳn đều làm ta xót xa trước lẽ tự nhiên.

Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời của con người. Biết là vậy nhưng sao vẫn có những giọt nước mắt đậu nơi khóe mắt, có giọt nước mắt nào lặn ngược vào trong buốt nhói tâm can. Trên đời này có tình cảm nào vĩnh hằng, bao la như mẹ yêu con, như con yêu mẹ? Tác giả và mỗi chúng ta đều cảm nhận được bước đi của thời gian: Cau cao rồi cao mãi, mẹ lại thấp dần đi; trái cau xưa bổ sáu, nay bổ tám ngại to. Tất cả đều tương phản, duy chỉ một nét tương đồng giữa mẹ và cau thì gợi lên bao xót xa.

***

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ.

Đến đây, hình ảnh mẹ không được miêu tả trực tiếp, mà là miêu tả gián tiếp qua cách so sánh “cau khô – khô gầy như mẹ”. Như vậy, mẹ đã trở thành thước đo của sự “khô gầy”.Tính từ “khô gầy” cho thấy dáng vẻ già nua, thiếu sức sống của mẹ khiến người con thấy bùi ngùi, xúc động. Mẹ không còn khỏe mạnh minh mẫn như ngày xưa. Bao nỗi đắng cay, buồn vui cuộc đời của mẹ đều được miếng trầu cau chứng kiến, để rồi héo hắt khi “Con nâng trên tay - Không cầm được lệ”. “Nâng” và “cầm” là những động từ chỉ động thái của tình cảm. Nếu “nâng” diễn tả sự cẩn trọng, nhẹ nhàng, gửi bao niềm kính trọng người mẹ kính yêu thì “cầm” lại nén bao đắng cay bấy nhiêu. Con nâng chứ không phải là “cầm”, “nắm” miếng cau khô héo.

Mẹ - suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn ảnh 2
Ảnh minh họa ITN.

Vì cau đã quắt lại nên người con không nỡ dùng sức khi cầm trên tay hay vì miếng cau gợi liên tưởng đến mẹ nên con cảm thấy xót xa và muốn nâng giữ, trân quý? Cảm xúc của người con gói trọn trong chữ “cầm” trong sự phủ định “không cầm được”. Đó là sự trào dâng của cảm xúc mà không thể nào ngăn nổi.

Nghĩ đến tuổi già và sự lìa xa của mẹ, người con nào ngăn được nỗi đau đớn, xót xa trong lòng mình. Cảm xúc nghẹn ngào kết tinh thành những giọt nước mắt. Những giọt nước mắt của tình yêu, tình thương… Cái độc đáo trong thơ Đỗ Trung Lai còn là ở việc ông sử dụng từng cặp từ ngữ, cặp hình ảnh biểu cảm song hành tạo ra bao chất chứa, lời ít mà ý nghĩa vang xa. Sự vận động cảm xúc của bài thơ “Mẹ” đã dồn nén để buột ra câu cảm thán mang âm hưởng dân gian:

“Ngẩng trời hỏi vậy

- Sao mẹ ta già?”.

Câu hỏi tự vấn đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình. Câu thơ hỏi đất trời cũng chính là tự vấn lòng mình, thể hiện được sự cô đơn, trống vắng của người con khi nghĩ đến ngày phải xa mẹ, đến ngày xa mẹ càng gần. Ai rồi cũng phải ra đi, để lại sự xót xa cho người ở lại. Quy luật tàn nhẫn của thời gian là thứ không bao giờ tránh được và cũng không kết thúc. Thơ đã chạm được đến tận cùng nỗi niềm con người, cõi người, vừa đăm đăm vừa trống trải. Thế nhưng một sự cô đơn ngỡ như vô vọng.

***

“Không một lời đáp

Mây bay về xa”.

Bài thơ kết thúc với thanh bằng, một tín hiệu nghệ thuật tâm trạng của nhân vật trữ tình cứ lặng dần, trầm buồn. “Mây bay về xa” hay mái đầu mẹ bạc hòa vào mây trắng. Sự ra đi của mẹ tựa như đám mây trên trời cao xa, nhìn thấy được nhưng không bao giờ níu giữ, nắm bắt được. Người con đã phải bất lực đứng nhìn mà nhói buốt tận tâm can. Bất lực trước thời gian để mỗi đứa con càng có ý thức yêu mẹ hơn, sống tốt hơn, làm tất cả những gì ý nghĩa khi còn có mẹ trên đời. Chất nhân văn thấm đẫm ở những lời thơ bình dị ấy. Thơ Đỗ Trung Lai luôn ẩn tồn những giá trị ở tầng sâu tư duy được “cấy trổ” một cách khéo léo trên bề mặt ngôn ngữ tường minh.

Mỗi khi đọc bài thơ này, tôi ước mình bé lại, để quay ngược về tuổi thơ khi tóc mẹ còn xanh, lưng mẹ còn thẳng, nét xuân sắc còn trong khóe môi, nét cười… Tôi vẫn mong rằng những năm tháng ấy sẽ lưu giữ mãi trong cuộc đời này, để cho chúng ta, dù có bị dòng đời thử thách vẫn luôn vững vàng một niềm tin, một niềm lạc quan bởi hạnh phúc nhất là khi chúng ta còn mẹ! Cảm ơn Đỗ Trung Lai, một nhà thơ đã sống sâu sắc, đã có tình yêu sâu sắc với cuộc đời và con người, tâm hồn sẵn sàng rung ngân như sợi tơ đàn để đặt hết tâm huyết của mình vào từng con chữ dòng thơ, để ta cảm nhận được những lẽ sống cao đẹp nhất!

Bàn về thơ, cánh chim đầu đàn của thơ ca Cách mạng Việt Nam – nhà thơ Tố Hữu từng quan niệm: “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của tâm hồn con người”. Quả thực như vậy, thơ là những rung động, những cảm xúc riêng tư, thầm kín nhất trong lòng mỗi người nghệ sĩ trước cuộc đời và con người. Bởi vậy, trong thơ không bao giờ có thể thiếu tình yêu, thiếu đi những khát khao, yêu thương của một người để rồi chạm đến trái tim của triệu con người.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/me-suoi-nguon-yeu-thuong-khong-bao-gio-can-post630803.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/me-suoi-nguon-yeu-thuong-khong-bao-gio-can-post630803.html
Bài liên quan
Người mẹ thứ hai của trẻ Mường Tè
Trẻ lần đầu ra lớp đối diện với nhiều khó khăn do thay đổi môi trường, xa người thân… trong khi tuổi còn nhỏ, yếu kỹ năng cơ bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ là suối nguồn yêu thương không bao giờ cạn