Ảnh minh họa.
Hãy thử tưởng tượng, khi giáo viên đang tập trung giảng bài thì quay xuống lớp thấy một em học sinh đang huyên thuyên buôn chuyện với bạn! Trẻ nói nhiều không chỉ khiến giáo viên cảm thấy phiền toái mà còn gây ảnh hưởng đến việc học của các bạn xung quanh.
Một số em nói chuyện nhiều còn bị giáo viên mời phụ huynh lên trường trao đổi, gặp mặt. Rơi vào trường hợp này, tất nhiên phụ huynh không tránh khỏi bực mình và mắng mỏ con.
Trên thực tế, một số trẻ có bản tính hướng ngoại, hoạt ngôn, khả năng diễn đạt mạnh. Ngay từ nhỏ, trẻ đã bị thiếu tự chủ, nhất thời không kiềm chế được ham muốn bày tỏ với mọi người. Trẻ không biết dịp nào thích hợp để nói nên nhiều khi khiến mọi người khó chịu.
Trẻ nói nhiều gây phiền toái, nhưng thực chất đây lại là một biểu hiện của trí thông minh và có thể là lợi thế trong cuộc sống. Một điều rõ ràng ở những đứa trẻ nói nhiều là chúng có khả năng nói chuyện tốt hơn; khối lượng từ vựng nhiều; kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội tốt. Trẻ còn có thể trở thành một nhà diễn thuyết hoặc những công việc cần tài ăn nói.
Những đứa trẻ nói nhiều cũng khá hài hước, dí dỏm, đồng thời luôn biết được nhiều thông tin. Bởi trong quá trình nói chuyện, trẻ cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi và nhận được những câu trả lời. Những đứa trẻ nói nhiều cũng rất thích tham gia các hoạt động tập thể, bởi vì chúng không thể ngồi im lặng được lâu.
Chính vì vậy, khi thấy con nói nhiều, cha mẹ có thể thấy phiền nhưng hãy nghĩ về các lợi ích và bình tĩnh lại. Thay vì đánh mắng, cha mẹ hãy hướng dẫn con tiết chế hơn khi nói chuyện, chẳng hạn như biết đâu là lúc nên nói chuyện, đâu là lúc không nên,...