"Là giáo viên vốn đã áp lực, giáo viên chủ nhiệm thì căng thẳng gấp nhiều lần", cô nói và ví giáo viên chủ nhiệm "không khác gì bảo mẫu". Phụ huynh có thể biết con cái không ngoan, nhưng mỗi lần có chuyện gì đó, từ sinh hoạt, lối sống đến vấn đề học tập... cha mẹ học sinh đều "chất vấn" thầy cô chủ nhiệm.
Ngoài ra, khi có chương trình ngoại khóa, giáo viên lại kiêm thêm hàng tá việc như xây dựng kịch bản, chuẩn bị các tiết mục... "Nếu thầy cô được giảm bớt các việc bất đắc dĩ, tập trung vào chuyên môn thì chắc chắn hiệu quả giảng dạy sẽ cao hơn", cô Trinh khẳng định.
Giáo viên gửi nhiều kỳ vọng cho năm học mới. (Ảnh: Yến Nhi)
Điều chỉnh dạy môn tích hợp và giảm gánh nặng thành tích
Cô Thân Thu Hằng, 35 tuổi, giáo viên Lịch sử tại một trường THCS ở Ninh Bình mong mỏi được phân công đúng chuyên môn giống như trước đây. Điều này giúp đảm bảo chất lượng giáo dục, hơn nữa, nhiều thấy cô than khó nếu phải đảm nhiệm thêm môn học.
Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực thì việc dạy học sẽ tốt hơn.
"Chương trình mới cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện nên việc dạy tích hợp gặp nhiều khó khăn", cô Hằng bày tỏ.
Là giáo viên Sử khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Hằng lúng túng vì chưa hình dung bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao. Giáo viên này mong mỏi Bộ xem xét lại việc giảng dạy môn tích hợp.
Ngoài ra, cô Hằng cũng hy vọng giáo viên sẽ được "cởi trói" khỏi gánh nặng thành tích. Thầy cô gần như kiệt sức vì phải chịu áp lực từ kết quả học bạ cuối năm, việc thi cử của học sinh, đặc biệt là kỳ tuyển sinh vào lớp 10.
"Giáo viên phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi, đỗ nguyện vọng một, đảm bảo tỷ lệ đỗ cao cho toàn trường", cô kể.
Nỗi niềm người đứng đầu nhà trường
Nhắc đến những mong ước trong năm học mới, thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Hải Xuân (Nam Định) chia sẻ những khó khăn của thầy cô trực tiếp đứng lớp giảng dạy.
Điều khiến hiệu trưởng này trăn trở mỗi ngày chính là việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho thầy cô. Chỉ khi cuộc sống được cải thiện đủ đầy, giáo viên mới có thể an tâm cống hiến cho ngành giáo dục.
"Mong các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nhà giáo, từ đó có những chính sách giúp giảm bớt gánh nặng cho thầy cô, nhất là về vấn đề tiền lương, phụ cấp, làm sao giúp đảm bảo giáo viên có thể sống được bằng chính đồng lương của mình", thầy Sơn nói và gửi gắm hy vọng bước vào năm học mới với niềm tin mới, thắng lợi mới.
Tương tự, cô Khúc Thị Huệ, Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cũng mong mỏi nhà giáo có chính sách lương, phụ cấp tốt hơn trong năm học 2023 - 2024.
Cô Huệ hy vọng những người "đứng bục giảng" sẽ luôn được tạo điều kiện tốt để chuyên tâm giảng dạy, nâng cao chất lượng toàn ngành nói chung.
"Cả thầy và trò đều có nhiều kỳ vọng trong năm học mới. Tôi mong các em học sinh sẽ có năm học nhiều thú vị, học hỏi được những kiến thức mới mẻ, khám phá được điểm mạnh của chính mình", cô Huệ nói và khẳng định thêm, các em học sinh sẽ hạnh phúc khi được học tập dưới một mái trường hạnh phúc.
Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có gần 1,3 triệu giáo viên, giảng viên đại học, đây là lực lượng hùng hậu. Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD&ĐT cũng kỳ vọng việc xây dựng Luật Nhà giáo thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế, tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên.