Nam thanh niên mắc bệnh dại sau 4 tháng ăn thịt con chó cắn mình

Minh Nhật | 29/12/2022, 14:57
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau khi ăn thịt con chó cắn mình khoảng 4 tháng, nam thanh niên bất ngờ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, sợ nước, sợ gió lạnh.

Sau khi bị chó lạ cắn, nam thanh niên 30 tuổi, sống tại Phú Thọ đã đánh chết con chó và làm thịt ăn. Nam thanh niên này cũng không đi tiêm kháng huyết thanh để phòng bệnh dại.

Gần đây (sau thời điểm bị chó cắn khoảng 4 tháng), bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, kích thích, sợ nước, sợ gió lạnh, sợ tắm, đau mỏi đầu và hai vai. Bệnh nhân tự đi khám ở phòng khám tư nhưng không đỡ.

Sau khi xuất hiện triệu chứng 2 ngày, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thăm khám.

Ăn thịt con chó cắn mình, nam thanh niên lên cơn dại sau 4 tháng - 1

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại (Ảnh: Getty).

Bệnh nhân được chẩn đoán và làm xét nghiệm virus dại có kết quả "Dương tính". Do đó, bệnh nhân được chuyển vào điều trị tại Khoa Cấp Cứu. Đến 18h15 cùng ngày, tình trạng hốt hoảng, kích thích, sợ nước, sợ gió  của bệnh nhân tăng dần. Được bác sĩ giải thích tiên lượng tử vong, gia đình đã xin cho bệnh nhân về nhà.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh Trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm toàn cầu có trên 10 triệu người bị súc vật (nhiễm hoặc nghi bị dại) cắn và khoảng 59.000 người tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp tử vong được báo cáo chủ yếu thuộc vùng nhiệt đới.

Tại Việt Nam, thống kê trong 9 tháng đầu năm 2022, cả nước ghi nhận 40 ca tử vong do bệnh dại và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về bệnh dại.

Đáng chú ý, theo báo cáo của cơ quan chuyên ngành thú y, tổng kết trong 9 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn chó, mèo. Trong khi đó, để ngăn chặn bệnh dại lây sang người cần đạt tỷ lệ tiêm phòng trên động vật ít nhất 70% trong 2 năm liên tiếp. 

Các chuyên gia cảnh báo, nhiều người bệnh tử vong vì không đi tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn, cào, liếm lên vùng da bị tổn thương.

Kế đến, nhiều người thường nghĩ rằng chó, mèo đã tiêm phòng rồi thì không sao hoặc có thói quen theo dõi khi bị động vật cắn, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở tế tiêm phòng. Đây là các quan niệm không đúng, vì vaccine khi dự phòng trên động vật chỉ làm giảm nguy cơ bị dại, mức độ cảnh báo thấp hơn nhưng không đảm bảo hoàn toàn.

Từ trường hợp này, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn người dân hãy chủ động đến các trung tâm tiêm chủng để tiêm dự phòng trước đối với bệnh dại. Nếu chủ động tiêm phòng trước bạn sẽ có các lợi ích sau:

- Tránh phải tiêm huyết thanh kháng dại: Được sản xuất từ huyết thanh ngựa nên dễ có phản ứng dị loài, cần thận trọng trong quá trình tiêm và theo dõi sau tiêm.

- Giải thoát được vấn đề tâm lý khi bị chó, mèo không rõ nguồn gốc cắn.

- Chỉ cần tiêm 2 mũi vaccine phòng dại nếu đã tiêm phác đồ dự phòng trước phơi nhiễm.

Bài liên quan
Người đàn ông tử vong sau 2 tháng bị chó cắn
Khoảng 2 tháng trước thời điểm khởi phát bệnh, trong khi làm nông tại trang trại của gia đình, bệnh nhân bị một con chó thả rông (không rõ nguồn gốc) cắn vào mu bàn tay phải (không theo dõi được chó).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nam thanh niên mắc bệnh dại sau 4 tháng ăn thịt con chó cắn mình