Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại

Theo Thanh Hà | 29/04/2024, 13:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...

Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại- Ảnh 1.

Hình ảnh ứng dụng giả mạo các đối tượng gửi link cho chị H. cài đặt và tin nhắn trên Zalo.

Liên tiếp có các nạn nhân bị lừa

Thời gian vừa qua, tại Hà Nội và một số địa phương có nhiều nạn nhân bị các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại tự xưng là cán bộ công an hướng dẫn cài phần mềm dịch vụ công giả mạo để định danh mức độ 2, hoặc cập nhật thông tin cư trú với mục đích chiếm quyền điều khiển điện thoại, đánh cắp mật khẩu tài khoản ngân hàng.

Gần đây nhất, vào đầu tháng 4/2024, Công an TP Hà Nội tiếp nhận và xác minh vụ việc người phụ nữ tên C. (SN 1980, ở Hà Nội) bị mất hơn 200 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Cụ thể, chị C. nhận được cuộc gọi của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) yêu cầu cài đặt định danh mức độ 2.

Tuy nhiên, do chị C. bận không đến được trụ sở cơ quan công an nên đối tượng gợi ý sẽ có cán bộ hỗ trợ và hướng dẫn chị cài đặt phần mềm dịch vụ công. Sau khi cài đặt phần mềm giả mạo, chị C. đã bị mất quyền điều khiển điện thoại.

Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo người phụ nữ đã liên hệ phía ngân hàng để khóa tài khoản nhưng được thông báo bị rút mất hơn 200 triệu đồng.

Một nạn nhân khác là anh V., trú tại quận Long Biên (Hà Nội), truy cập đường dẫn do đối tượng giả mạo là cán bộ công an phường cung cấp, tải ứng dụng giả mạo dịch vụ công để bốc số thứ tự trước, không phải chờ khi lên quận làm thủ tục. Sau đó anh V. đã bị chiếm đoạt 1,3 tỉ đồng trong 3 giao dịch chuyển tiền.

May mắn hơn những người trên, chị H. trú tại Hà Nội cho biết cũng là nạn nhân bị các đối tượng giả mạo cán bộ công an lừa tải ứng dụng dịch vụ công để cập nhật thông tin cư trú.

Lý giải về việc cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo, chị H. cho biết trước đó, do chị chưa chuyển hộ khẩu về nhà bố mẹ ở tỉnh Hải Dương nên trên ứng dụng VNeID của gia đình không hiển thị thông tin.

Chị H. kể, có 3 người tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Hải Dương gọi điện đến số điện thoại của chị H. và hướng dẫn qua Zalo tải phần mềm dịch vụ công về điện thoại. Họ gửi cho chị H. một đường link truy cập https:// dichvucong.dlqg.org.

Khi vừa bấm vào đường link trên, màn hình điện thoại của chị H. thông báo ứng dụng này chỉ sử dụng được trên điện thoại chạy hệ điều hành Android, trong khi đó chị H. sử dụng hệ điều hành IOS nên không cài được. Lúc này, chị H. dùng điện thoại của con gái để cài đặt.

Điện thoại bị chiếm quyền điều khiển ngay lập tức

Theo chị H., trong quá trình cài đặt, phần mềm này yêu cầu cấp quyền truy cập vào rất nhiều ứng dụng như Facebook, Zalo, camera, danh bạ...

"Khi tôi cài được khoảng 2 phút thì màn hình hiện lên biểu tượng giống cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, tôi không thể thao tác được các chức năng khác trên máy, kể cả việc tắt nguồn... như vậy điện thoại đã bị vô hiệu hóa" - chị H. kể lại.

Chị H. cho biết, sau một lúc thì chị truy cập được vào điện thoại và gỡ bỏ ứng dụng trên. Tuy nhiên, các tài khoản Facebook, Zalo đã bị "hack" và tất cả các chức năng trong điện thoại đã bị các đối tượng cấp quyền truy cập để lấy cắp dữ liệu...

Khi biết mình bị lừa cài ứng dụng dịch vụ công giả mạo, chị H. liên hệ lại với người tự xưng là cán bộ công an thì bị chặn liên lạc.

"May mắn, trên điện thoại con gái tôi không cài các ứng dụng ngân hàng hay lưu các thông tin cá nhân quan trọng" - chị H. chia sẻ và khuyến cáo mọi người cẩn thận khi cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc.

Theo Công an TP Hà Nội, gần đây, nhiều người dân bị các đối tượng giả danh công an gọi điện hướng dẫn cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo rồi chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng thông báo Căn cước công dân bị lỗi trên hệ thống hoặc cần phải cập nhật dữ liệu dân cư, mã định danh và yêu cầu người dân đến cơ quan công an để khắc phục.

Các đối tượng sẽ thúc ép với lý do cần hoàn thiện gấp hồ sơ để yêu cầu người dân tải phần mềm dịch vụ công giả mạo theo đường dẫn của đối tượng cung cấp. Khi cài đặt phần mềm giả mạo này, các đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại, thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Cơ quan công an khuyến cáo, trường hợp nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại