Bản chất của chương trình trải nghiệm là một trong những hoạt động hướng nghiệp thiết thực, hiệu quả, bởi quá trình tham quan học sinh được tư vấn nhiều thông tin hữu ích… Từ đó, giúp các em có góc nhìn mới mẻ về ngôi trường đại học. Đồng thời, có thể đặt ra tiêu chuẩn, mục tiêu rõ ràng cho tương lai của mình.
“Công tác hướng nghiệp cần sự chung tay, hỗ trợ từ nhiều phía; trong đó có phụ huynh, nhà trường (gồm trường phổ thông, cơ sở giáo dục đại học) và các cơ quan hữu quan”, cô Quảng Thị Kiệp nhìn nhận và đề xuất, các cơ quan hữu quan cần có thông tin về dự báo nhu cầu nhân lực ở một số ngành/lĩnh vực từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời có dự báo về thị trường lao động và xu hướng việc làm trong tương lai.
Đồng quan điểm, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông (Trường ĐH Gia Định TPHCM) nhấn mạnh, công tác hướng nghiệp là yếu tố quan trọng trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của học sinh; trong đó gồm sở thích, sở trường, điều kiện và môi trường học tập. Đặc biệt, xu hướng nghề nghiệp phải gắn liền với mục tiêu bản thân, bởi nếu chọn sai sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám.
Từ thực tế, TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay, những năm qua nhiều học sinh chỉ hướng đến chọn trường rồi đến chọn ngành. Thực trạng này dẫn đến nhiều em nhập học ngành mình không yêu thích, không đúng năng lực, sở trường. “Mỗi lần tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tôi luôn nhấn mạnh với học sinh về yếu tố sở thích, năng lực, sở trường của bản thân và chọn ngành trước khi chọn trường”, TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ các bước giúp học sinh THPT chọn đúng ngành nghề, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân tư vấn: Thầy cô, gia đình định hướng giúp học sinh hiểu bản thân; xác định thế mạnh và sở thích của bản thân; xem bản thân có phù hợp ngành nghề không; tìm hiểu về ngành, nghề mình sẽ chọn; xây dựng hồ sơ học tập nổi bật, đáp ứng yêu cầu của trường/ngành nghề ứng tuyển; tự trải nghiệm hoặc làm một số việc liên quan đến ngành nghề mình chọn.
Ngoài ra, để giúp học sinh chọn được ngành học phù hợp, người làm công tác hướng nghiệp cần có thông tin ngành nghề chính xác; định hướng và tư vấn đúng đắn, linh hoạt.
Tham quan, trải nghiệm thực tế tại cơ sở giáo dục đại học là mô hình hay, thiết thực dành cho học sinh lớp 12 trước mùa tuyển sinh, TS Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhìn nhận; đồng thời khuyến nghị, hoạt động này cần được tổ chức bài bản, khoa học, kế hoạch, mục đích cụ thể, tránh làm cho có dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.