Nâng cao kỹ năng đàm phán của hiệu trưởng

Hải Bình | 29/01/2023, 16:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang, Hiệu trưởng Trường TH Bình Hòa 2 (Thuận An, Bình Dương) chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kỹ năng đàm phán của hiệu trưởng.

Khi cần từ chối, nhẹ nhàng cảm ơn và ghi nhận sự quan tâm, nói lên cái khó và nguyên tắc riêng của mình. Trong lời nói và hành động phải thể hiện sự dứt khoát từ chối. Đặc biệt, khi giao tiếp, nắm được nguyên tắc chung là tôn trọng, không nói xấu một người với người khác. Nếu cần thì nhận xét trực tiếp với người đó bằng thái độ và lời lẽ chân tình để tránh thông tin bị lệch lạc, tuyệt đối không gây thêm bất hòa trong các mối quan hệ.

Nâng cao kỹ năng đàm phán của hiệu trưởng ảnh 2
Cô Nguyễn Thị Hoàng Trang làm việc cùng đội ngũ giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa 2.

Tránh những lỗi thông thường trong đàm phán

Những lỗi thông thường trong đàm phán như: Bước vào đàm phán với đầu óc thiếu minh mẫn; không biết đối tác ai là người có quyền quyết định; không biết điểm mạnh của mình là gì và sử dụng nó như thế nào; đàm phán với mục đích chung chung.

Ngoài ra, không đề xuất được những quan điểm và lý lẽ có giá trị; không để cho đối tác đưa ra đề nghị trước; bỏ qua yếu tố thời gian, địa điểm như là một vũ khí trong đàm phán; từ bỏ khi cuộc đàm phán dường như đi đến chỗ bế tắc; không biết kết thúc đúng lúc...

Để tránh những lỗi nói trên, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang cho biết, trong cuộc đàm phán, mình tuyệt đối không ngắt lời đối tác, tích cực lắng nghe và chỉ nói vừa đủ để đưa ra quyết định cuối cùng. Luôn đặt câu hỏi mở, có mục đích nhằm thể hiện sự hiểu biết. Sử dụng chú giải, bình luận hài hước và tích cực. Ngừng đàm phán để kiểm soát được nội bộ nếu cần thiết.

Trước khi đàm phán, lập một mục tiêu rõ ràng, cụ thể và thực tế; tóm tắt thường xuyên để nhận biết quá trình đàm phán đến giai đoạn nào. Đồng thời, liệt kê những điểm cần giải thích, những điểm đã hiểu để tiện theo dõi và thấu hiểu nội dung đàm phán. Tránh dùng ngôn ngữ yếu. Không chỉ trích đối tác mà tìm ra những điểm chung của cả hai để đi đến thỏa thuận. Tránh đưa ra quá nhiều lý do cho đề nghị của mình và tránh bộc lộ cảm xúc bộc phát, khiển trách, công kích hay chế nhạo họ.

Bên cạnh việc biết cách khắc phục những lỗi thông thường, để cuộc đàm phán không thất bại, cô Nguyễn Thị Hoàng Trang cũng cho biết còn chú ý những điều sau:

Nói đủ nghe rõ, ngắn gọn, xúc tích và nói chậm để đối tác có thời gian để nghe, để tiếp nhận, hấp thụ các thông tin, lý lẽ mà mình muốn truyền đạt. Luôn nhìn vào mắt đối tác khi đàm phán thể hiện sự tự tin, quan tâm của mình và đem lại độ tin cậy cho đối tác. Thông báo trước nội dung đàm phán. Nếu thấy đối tác nói quá nhiều, chủ động, khéo léo, cắt ngang hay đổi hướng bằng những câu hỏi hợp lý để cùng quay về nội dung chính cần đàm phán.

Không đưa tất cả thông tin, lý lẽ trình bày thuyết phục ngay từ đầu buổi đàm phán mà sử dụng lần lượt các thông tin, lý lẽ thuyết phục của mình cho từng nội dung, từng thắc mắc cần tìm hiểu của đối tác. Không lảng tránh ý kiến phản đối hay nghi ngờ từ phía đối tác. Luôn chuẩn bị trước các giới hạn cần thiết khi đàm phán để linh hoạt, nhân nhượng trong chừng mực có thể.

Ngoài ra, cần tự đặt mình là người học hỏi nhưng không mất đi vị thế của mình khi đàm phán. Không có những lời lẽ, cử chỉ mang tính áp đảo, gây mất cảm tình và khó chịu cho đối tác.

Trong từng tình huống quản lý cụ thể, người hiệu trưởng cần nắm bắt đặc điểm tâm lý của cấp dưới, trình độ phát triển của tập thể sư phạm nhà trường để sử dụng các kỹ năng đàm phán phù hợp nhất...

Kỹ năng đàm phán là kết quả cả quá trình

Kỹ năng đàm phán không tự nhiên mà có, đó là kết quả của một quá trình phấn đấu, trải nghiệm qua công tác quản lý của người hiệu trưởng. Vì vậy, hiệu trưởng cần phải thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện từng bước trong quá trình quản lý của mình, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn nữa để mang đến thành công trong các cuộc đàm phán.

Ngoài ra, việc vận dụng linh hoạt các biện pháp đã nêu ở trên cũng là một trong những điều kiện mang đến thành công cho mỗi cuộc đàm phán của hiệu trưởng.

Đặc biệt, là một hiệu trưởng, cần phải tôn trọng đối tượng đàm phán (học sinh, cấp dưới, các mối quan hệ trong quá trình quản lý nhà trường) và nhu cầu giao tiếp của đối tượng. Biết đặt mình vào vị trí của đối tượng để hiểu và thông cảm với họ. Lựa chọn cách nói sao cho phù hợp với đối tượng đàm phán, hoàn cảnh giao tiếp và văn hóa (phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng,...). Kết hợp giữa lời nói với ngôn ngữ cơ thể để tạo ra sự hấp dẫn, dễ hiểu đối với người nghe.

Luôn tìm ra những điểm tốt, điểm tích cực của học sinh hoặc cấp dưới để động viên, khen ngợi, tránh tập trung vào những điểm tiêu cực để phê phán, chỉ trích.

Luôn bình tĩnh, hoà nhã khi đàm phán, biết kiềm chế những cảm xúc tiêu cực để tránh nói ra những lời khó nghe, gây tổn thương đến người khác trong quá trình đàm phán, hay làm cho cuộc giao tiếp trở nên căng thẳng.

Đặc biệt quan trọng là cần có kiến thức và kinh nghiệm về nội dung của vấn đề đàm phán để thuyết phục được đối tượng giao tiếp.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-ky-nang-dam-phan-cua-hieu-truong-post624082.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nang-cao-ky-nang-dam-phan-cua-hieu-truong-post624082.html
Bài liên quan
Lời dặn dò truyền lửa đam mê của cô hiệu trưởng trước kỳ thi học sinh giỏi
Chiến thắng khi đã cố gắng hết mình là chiến thắng vinh quang, các em hãy giữ bình tĩnh trong mọi thử thách để làm nên sáng suốt...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao kỹ năng đàm phán của hiệu trưởng