Nâng cao năng lực đội ngũ để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

Khôi Nguyên | 03/05/2022, 22:42
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh, các nhà trường đã có nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nâng cao chất lượng đội ngũ

Cô Nguyễn Thị Nhâm Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh luôn là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường.

Trong nhiều năm qua, đơn vị này đã có nhiều giải pháp, hình thức để hiện thực hóa hoạt động này một cách thực chất. Trong đó, nhà trường xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc nội quy nhà trường và thường xuyên có sự điều chỉnh, cập nhật để phù hợp tình hình thực tế.

Trường tuyên truyền giáo dục thường xuyên để nâng cao ý thức tu dưỡng đạo đức cho mỗi học sinh. Xử lí và giải quyết thấu đáo, có tình có lí những vụ việc phát sinh trong học sinh. Thầy cô đón bắt những nguy cơ, nắm bắt những trường hợp có vấn đề về tâm lí, tình cảm qua nhiều kênh thông tin khác nhau để tiếp cận, giúp đỡ học sinh tháo gỡ những băn khoăn, bức xúc hoặc định hướng giải quyết những vấn đề các em đang gặp phải.

Tổ chức bài bản, đa dạng các hình thức hoạt động ngoại khoá, hoạt động câu lạc bộ để thu hút học sinh vào nhiều sân chơi bổ ích. Từ đó giúp học sinh có nhiều trải nghiệm tích cực và tìm thấy động lực tốt nhất cho học tập cũng như cho rèn luyện đạo đức, kĩ năng sống. Phối hợp với cha mẹ học sinh và các tổ chức đoàn thể trong trường nắm bắt từng vấn đề cụ thể phát sinh đối với mỗi em.

Trường THPT Phan Đình Phùng thường tổ chức các hoạt động giao lưu giữa chuyên gia pháp lý với học sinh.

Nhà trường chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ giáo viên làm công tác tư vấn học đường để tăng thêm nguồn lực cho công tác giáo dục đạo đức học sinh. Gắn giáo dục đạo đức với đánh giá thi đua, học tập nhằm tạo thêm động lực giúp học sinh phấn đấu, tu dưỡng bản thân.

"Chúng tôi xây dựng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm vừa giỏi chuyên môn, vừa là những nhà giáo dục, nhà sư phạm mẫu mực, tâm lí và gắn bó với học sinh để tạo môi trường giáo dục thân thiện, chuyên nghiệp, giúp học trò có những tấm gương để noi theo và trau dồi bản thân. Giải quyết tận gốc, có tình, có lý các vụ việc cũng như nắm bắt tâm lý lứa tuổi để hạn chế tối đa mâu thuẫn lứa tuổi học trò.Trường có phòng tham vấn học đường là nơi học sinh được chia sẻ, tham vấn, giải đáp mọi vấn đề mà các em đang gặp phải" - cô Nhâm Huyền nói.

Linh hoạt hình thức tuyên truyền

Cũng theo lãnh đạo Trường THPT Phan Đình Phùng, khi điều kiện cho phép, mỗi tháng nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề dưới cờ để tuyên truyền về các chủ đề khác nhau gắn với những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc. Ví dụ, ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2, kỷ niệm ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4, ngày sinh nhật Bác Hồ 19/5...

Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong nhiều môn học khác nhau.

Với hơn 1.500 học sinh và là đơn vị đi đầu của quận Tây Hồ về các phong trào thi đua, Trường THCS Xuân La cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống và phòng chống bạo lực học đường cho học sinh ngay từ đầu năm học.

Cô Trần Thị Mỹ Lâm - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Hai năm gần đây do dịch bệnh Covid-19 phức tạp, nhà trường đã phải linh hoạt các hình thức tuyên truyền, nhất là qua kênh online. Thầy cô cũng tổ chức các chuyên đề phù hợp với nội dung tuyên truyền theo từng tháng; kết hợp với việc lồng ghép những nội dung về giáo dục kỹ năng sống trong các môn học khác nhau trên lớp để học sinh nắm bắt được thêm nhiều kiến thức, kỹ năng mới.

Thời gian qua thầy và trò nhà trường cũng tổ chức các hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2022, thu hút sự tham gia đông đảo của học sinh. Thông qua hoạt động giới thiệu sách, các em hiểu được hơn các giá trị to lớn của việc đọc sách cũng như tạo lập cho mình thói quen đọc sách. Sách là người thầy vĩ đại của nhân loại. Nhờ đọc sách, học sinh được bồi đắp thêm nhiều điều mới mẻ, trong đó có giáo dục về lòng yêu nước và tình yêu thiên nhiên".

Chương trình hội chợ Xuân của cô trò Trường THCS Đông La.

Tương tự, Trường THCS Đông La (huyện Hoài Đức) cũng có nhiều cách làm đa dạng để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhà trường đã mời chuyên gia tuyên truyền cho học sinh về kỹ năng ứng xử trên mạng xã hội. Dù được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, nhưng cả giáo viên, học sinh và phụ huynh cũng tham gia phòng Zoom rất nhiệt tình, chăm chú. Nhờ những buổi tư vấn như vậy mà các em được bồi dưỡng thêm những kiến thức bổ ích.

Cô Nguyễn Kim Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường đã tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, chấp hành pháp luật của người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên về mối nguy hiểm, hậu quả của bạo lực học đường; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa hành vi bạo lực học đường.Tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật của học sinh trong nội dung, chương trình môn học và các hoạt động giáo dục.

"Ngoài ra, nhà trường đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Hàng năm, có bản cam kết với phòng GD&ĐT về việc đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và không có bạo lực. Tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, tập thể có tính cộng đồng - xã hội, nhằm tạo cơ hội cho học sinh được tham gia các hoạt trải nghiệm thực tế, góp phần định hướng thẩm mỹ lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống, hình thành và phát triển nhân cách" - cô Nguyễn Kim Dung nói.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nâng cao năng lực đội ngũ để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh