Bạo lực học đường có thể xảy ra ở trong hoặc ngoài nhà trường. Vì thế, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm cũng như BGH các nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác như Đoàn thanh niên, chính quyền, Công an địa phương để ngăn ngừa, xử lý kịp thời các xung đột từ xa, từ sớm.
Mỗi nhà trường sẽ có cách khác nhau để tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho học sinh. |
Vị chuyên gia cũng cho rằng, việc một số trường ra quyết định kỷ luật học sinh vi phạm bằng hình thức tạm ngừng học là chưa mang tính tích cực. Bởi, một trong các phương pháp giáo dục học sinh là kỷ luật tích cực. Đối với học sinh dù vi phạm, thầy cô phải định hướng nhận thức để các em thay đổi hành vi của mình.
Những học sinh vi phạm phải tăng cường gặp gỡ, trao đổi và kết hợp giữa các lực lượng nhằm giáo dục các em. Học sinh phải nhận thức được cái gì sai, cái gì đúng để biết thay đổi chính mình, từ đó hàn gắn các quan hệ đó một cách tốt nhất.
"Vì vậy, thay vì tạm ngừng học có thời hạn với học sinh vi phạm thì các trường cần tiếp tục cho các em đi học. Đồng thời, lực lượng tâm lý học đường cùng giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên, giáo viên bộ môn cần tích cực tuyên truyền, tư vấn cho học sinh. Nếu ta đẩy các em ra ngoài nhà trường thì ai sẽ giáo dục các em thay nhà trường" - PGS.TS Trần Thị Minh Hằng nhấn mạnh.
Khẳng định tính bức thiết và đúng đắn của chủ trương "kỷ luật tích cực" của ngành Giáo dục đào tạo, PGS.TS Trần Thị Minh Hằng quan điểm cần có các hình thức linh hoạt khi xử lý học sinh vi phạm. Việc tạm ngừng học có thời hạn với các em đôi khi sẽ phản tác dụng, các em sẽ thể hiện thái độ bất cần mà không nhận thức được những việc mình đã làm là sai thì còn nguy hiểm hơn.