Giáo dục

Nền tảng của giáo dục đại học là khoa học công nghệ

16/05/2025 22:00

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh, khoa học công nghệ là xương sống và nền tảng trong giáo dục đại học.

Chiều 16/5, Khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tổ chức Hội thảo Khoa học công nghệ, thiết thực chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5/2025).

Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh -Trưởng Khoa Công nghệ sinh học (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) khẳng định, khoa học công nghệ là xương sống và nền tảng trong giáo dục đại học. Công nghệ sinh học không thể tách rời, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

“Vì vậy, chúng tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về những kết quả, đóng góp của mình, góp phần hoàn thiện hơn vào hoạt động khoa học, công nghệ của Học viện nói riêng và của cả nước nói chung” - PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh bày tỏ.

congnghesinhhoc-3.jpg
PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh chia sẻ tại hội thảo.

Việt Nam có nhiều loài động, thực vật quý, hiếm, đặc hữu và có ứng dụng cao trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế, xã hội, PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh nhận thấy, đa dạng sinh học đang ngày càng mai một. Nhiều loài bị tuyệt chủng, có nguy cơ tuyệt chủng, rất nhiều những giống quý dần bị mất đi.

Hiện, Việt Nam có trên 100.000 loài động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật đã được công bố phát hiện. Công tác bảo tồn luôn là ưu tiên hàng đầu. Nhận thức rõ điều ấy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về bảo tồn nguồn gen sinh vật. Hơn 10 năm đi vào hoạt động, rất nhiều các nguồn gen đã được duy trì, bảo tồn và phát triển.

congnghesinhhoc-1.jpg
Các chuyên gia, nhà khoa học và đông đảo sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Xuân Cảnh cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đóng góp nhiều công sức, thành tựu và kết quả phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn. Theo đó, Khoa Công nghệ sinh học đã tiếp cận, tham gia vào công tác bảo tồn này.

Là người đặt nền móng thành lập Khoa Công nghệ sinh học, ngành Công nghệ sinh học ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam và cũng là người thành lập Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam; GS.TS.NGƯT Phan Hữu Tôn chia sẻ, để nghiên cứu và tạo giống thành công, cần có nguồn gen đa dạng, chứa nhiều gen, tính trạng mong muốn tốt & phương pháp chọn tạo giống hiện đại.

Vì vậy cần phân lập, thu thập, nghiên cứu duy trì nguyên vẹn lâu dài nguồn gen, đánh giá và sử dụng, coi nguồn gen là tài sản của mình và mỗi quốc gia.

congnghesinhhoc-4.jpg
GS.TS.NGƯT Phan Hữu Tôn chia sẻ tại hội thảo.

GS.TS Phan Hữu Tôn cho hay, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Bảo tồn và phát triển nguồn gen cây trồng tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang thu thập, bảo tồn, lưu giữ hàng ngàn mẫu dòng/giống lúa bản địa, giống lai tạo; giống cà chua, khoai tây và một số cây trồng khác, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, và đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học nhìn nhận, Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị xác định, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia.

Nghị quyết 57 mở ra cơ hội lớn để ngành nông nghiệp đổi mới tư duy, ứng dụng công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nguồn gen.

Để thực hiện thành công mục tiêu này, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các chương trình nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn gen với các đơn vị nghiên cứu nhỏ và vừa. Đây là nơi lưu giữ các bộ sưu tập giống bản địa tuy số lượng không lớn nhưng đã qua chọn lọc và phát triển nên có giá trị sử dụng cao.

Với tinh thần của Nghị quyết 57, nguồn gen bản địa quý báu và đa dạng được bảo tồn và phát triển tốt chính là cơ sở để thực hiện các nghiên cứu tạo giống mới thực hiện các nội dung và giải pháp để phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

congnghesinhhoc-2.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Công nghệ sinh học là công nghệ sử dụng các quá trình sinh học, các cơ thể sống hay các hệ thống sinh học, đặc biệt công nghệ ADN tái tổ hợp và công nghệ mô, để tạo ra các sản phẩm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống con người và bảo vệ môi trường.

Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động về khoa học công nghệ. Trong đó có những hội thảo liên quan đến đa dạng sinh học trong bảo tồn nguồn gen sinh vật. Ngay trong buổi tối 16/5 sẽ có cuộc thi về ý tưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên Khoa Công nghệ sinh học.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nen-tang-cua-giao-duc-dai-hoc-la-khoa-hoc-cong-nghe-post731484.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nen-tang-cua-giao-duc-dai-hoc-la-khoa-hoc-cong-nghe-post731484.html
Bài liên quan
Ứng dụng công nghệ sinh học thúc đẩy khoa học chọn tạo giống
Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao (xếp thứ 14 thế giới) và đang tận dụng công nghệ sinh học để phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) và nhu cầu gia tăng về an ninh lương thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nền tảng của giáo dục đại học là khoa học công nghệ