Lệnh cấm đã kéo giá xe ô tô qua sử dụng tại Nhật Bản giảm xuống.
Cho tới tháng 7 năm nay, SV Alliance - một công ty xuất khẩu ô tô có trụ sở tại Toyama - đã đưa trung bình khoảng 6.500 ô tô qua sử dụng đến Nga mỗi tháng. Số ô tô này được chuyển từ Fushiki, cách Vladivostok của Nga khoảng 800 km, và tàu chở hàng chỉ mất hai ngày để đến nơi.
Olesya Alekseeva, điều phối viên hậu cần tại SV Alliance cho biết: "Doanh số kinh doanh đã giảm khoảng 70% và chúng tôi phải cho nghỉ một số nhân công vì không có đủ việc làm".
Trong nhiều thập kỷ qua, Nhật Bản là quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu ô tô đã qua sử dụng. Nguyên nhân là do hệ thống kiểm tra bắt buộc đối với xe đã qua sủ dụng tại Nhật Bản khiến chi phí sử dụng, bảo dưỡng xe cũ còn cao hơn chi phí mua xe mới.
Ông Takanori Kikuchi - Giám đốc chính sách thương mại ô tô tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết chính phủ Nhật Bản đang theo dõi để xem lệnh cấm này sẽ gây ra những tác động như thế nào.
Ban đầu, Nhật Bản cấm xuất khẩu xe hạng sang tới Nga vào tháng 4 năm ngoái, sau đó tiếp tục cấm xuất khẩu thêm xe tải hạng nặng vào tháng 6.
Theo lệnh cấm mới nhất đưa ra vào cuối tháng 8, các đại lý vẫn được phép xuất khẩu các xe nhỏ hơn, chẳng hạn như Toyota Yaris hoặc Honda Fit, sang Nga.
Giám đốc điều hành Wataru Nishiwaki của Element Trading - một đại lý ô tô đã qua sử dụng ở tỉnh Niigata giáp Toyama - cho biết tỷ lệ doanh thu từ Nga trong hoạt động bán xe của họ đã giảm từ 50% xuống 20%.
Dữ liệu sơ bộ từ công ty đấu giá ô tô USS cho thấy, số lượng xe ô tô qua sử dụng được chào bán đã tăng hơn 20% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước, nhưng giá bán trung bình của các phương tiện đã giảm 7%.
Việc giá bán giảm được một số bên hoan nghênh, ví dụ như công ty tái chế pin 4R Energy - liên doanh giữa Nissan và công ty thương mại Sumitomo. Giám đốc điều hành Yutaka Horie cho biết, 4R Energy đã nhận được một "lợi thế quan trọng" khi các loại ô tô qua sử dụng (ví dụ như Nissan LEAF) có giá bán giảm. Giá thấp mang tới cho công ty này cơ hội lớn hơn để đảm bảo nguồn cung.