Văn hóa

Ngăn chặn làm mới di tích

26/09/2024 09:26

Tìm hiểu về hiện tượng làm mới di tích và cách bảo vệ giá trị văn hóa của di tích

Theo giới chuyên gia, một trong những vấn đề cốt lõi trong việc bảo tồn là bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Tuy nhiên, những người thi công lại coi tu bổ như sửa chữa nhà cửa, chứ không phải tu bổ di sản văn hóa.

Trùng tu kiểu phá đi làm lại

Đã có rất nhiều di tích ở nước ta, sau dự án trùng tu đã bị “trẻ hóa” hoặc méo mó đến nỗi không thể nhận diện. Không chỉ làm mất đi tính chân xác của di tích, mà ngay giá trị hiện có của di sản cũng bị phủ lấp bởi những cách trùng tu không giống ai. Trong suốt bao nhiêu năm, thi thoảng dư luận lại phải chứng kiến những ồn ào, tranh cãi xung quanh di tích sau trùng tu.

Mới đây nhất, hình ảnh dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà, Lào Cai) được trùng tu với màu sơn mới hiện đại đã khiến nhiều người phải “sốc”. Vẫn hình dáng ấy nhưng nhiều người phải ngắm lại những bức ảnh cũ khá lâu, để xác thực công trình hiện nay vẫn là dinh thự Hoàng A Tưởng, chứ không phải một công trình nào khác.

Màu sơn mới, dù được lãnh đạo Sở Du lịch Lào Cai khẳng định “gần nguyên bản nhất”, song những ai từng đến dinh thự cổ này trên cao nguyên Bắc Hà, hẳn sẽ thấy màu sơn cũ – mới có sự khác biệt, và gần như đều bị thay đổi sau mỗi đợt trùng tu.

Phóng viên Báo GD&TĐ ở thời điểm năm 2011 có chụp những bức ảnh về dinh thự này với màu vàng đậm. Đến năm 2007, sau trùng tu thì biệt thự lại có màu vàng nhạt. Từ tháng 12/2023, dinh thự lại được trùng tu theo quyết định của tỉnh Lào Cai với kinh phí hơn 10 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

ngan chan hien tuong lam moi di tich (3).jpg
Hệ thống tượng cổ trong di tích chùa Thổ Hà (Bắc Giang) bị sơn vàng.

Cũng tại Lào Cai vào năm 2021, sau quyết định công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý (Bát Xát) là điểm du lịch thì dư luận lại xôn xao về một dự án rất lạ lùng khi “nhốt” 2 cây cổ thụ khu vực công viên Choản Thèn.

Sự việc khiến Bộ VH,TT&DL phải đề nghị tỉnh này khẩn trương kiểm tra, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương có biện pháp khắc phục, đảm bảo việc giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bản địa.

Ngay tại Hà Nội, việc trùng tu di tích cũng để lại không ít nỗi đau. Thậm chí, có di tích 300 năm hóa 1 ngày tuổi và xóa sổ hoàn toàn giá trị mà tiền nhân đã gây dựng trước đó. Đình Lương Xá, xã Liên Bạt (Ứng Hòa) chính là ví dụ điển hình, khi toàn bộ cấu kiện gỗ bị thay thế bằng bê tông cốt thép.

Đình Văn Xá (Lý Nhân, Hà Nam) dù không bị phá đi để bê tông hóa như Lương Xá, nhưng lại bị ban khánh tiết và Chi hội Người cao tuổi của thôn tự ý sơn một màu đỏ choét lên một số cấu kiện gỗ. Sự việc sau đó được TS Trần Hậu Yên Thế và GS Trần Lâm Biền phát hiện trong chuyến đi thực tế. UBND tỉnh Hà Nam sau đó đã chỉ đạo khắc phục hậu quả, nhưng rõ ràng di tích đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì có những thứ không thể khôi phục.

“Nguyên tắc tôn tạo dù chỉ là một phần hay toàn bộ di tích, cũng cần sự nghiên cứu nghiêm túc về khoa học, lịch sử chứ không thể dựa trên sự tùy tiện của cá nhân hay tổ chức nào. Những người thi công coi tu bổ như sửa chữa nhà cửa, chứ không phải tu bổ di sản văn hóa. Tu sửa chỉ lo phần vỏ vật chất bên ngoài, không chú tâm vào tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa, lịch sử của công trình. Đó là nguyên nhân chính khiến cho nhiều di tích “chết lâm sàng”, hay nặng nề hơn là không còn là di sản nữa”, GS Trần Lâm Biền khẳng định.

Ngăn chặn “trẻ hóa” di sản

Không có dự án tôn tạo, di tích chỉ bị bào mòn bởi thời gian và thời tiết. Nhưng nếu có dự án thì di tích lại đứng trước nguy cơ lành ít dữ nhiều, không méo mặt này thì hỏng mặt kia. Đó cũng là lý do mà mới đây, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL) có công văn trả lời cụ thể ngành văn hóa Nam Định về việc phục hồi và làm bản sao sắc phong tại di tích phủ Vân Cát. Đồng thời, yêu cầu hủy bỏ các sắc phong mới đã được làm xong để không làm sai lệch di sản văn hóa.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, để góp ý vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ về các vấn đề quy định trong trùng tu, tu bổ, tôn tạo di sản… hiện nay trong quy định của luật đang được quy định ở các Điều 34, 35, 36.

ngan chan hien tuong lam moi di tich (1).JPG
Dinh thự Hoàng A Tưởng (Bắc Hà, Lào Cai) thời điểm chụp năm 2011.

Cho rằng, việc trùng tu phải bảo đảm làm sao di tích vừa giữ nguyên được giá trị kiến trúc, giá trị thẩm mỹ, tăng khả năng di tích chống đỡ lại được với tác động của môi trường. Mặc dù cũng đã có hành lang pháp lý nhưng việc trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích cũng như làm mới lại các di tích vẫn có nhiều vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, có những chùa đang rất cổ kính, đang rất đẹp nhưng khi sau khi tu bổ, tôn tạo, mất một khoản tiền nhưng lại trở thành ngôi chùa mới rất hiện đại, không đảm bảo giá trị lịch sử. Trong Điều 34, 35, 36 chưa nêu rõ nguyên tắc, cũng như chế tài cụ thể nếu để xảy ra những việc ảnh hưởng, nhằm ngăn chặn hiện tượng làm mới di tích mà không đảm bảo được yếu tố về lịch sử, kiến trúc.

Theo GS.TS.KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị (Trường ĐH Xây dựng Hà Nội), vấn đề cốt lõi trong bảo tồn là bảo vệ các yếu tố gốc của di tích. Nguyên tắc trùng tu là phải giữ được tính nguyên bản, tính chân xác của di sản. Trước khi trùng tu, các đơn vị liên quan cần tổ chức những cuộc báo cáo, trưng bày kết quả công khai dự án bảo tồn để mọi người cùng hiểu và góp ý. Dự án trùng tu biệt thự 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) chính là ví dụ như vậy.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngăn chặn làm mới di tích