Ngành giáo dục Vĩnh Long sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới sau sáp nhập

27/07/2025 22:33

Sau sáp nhập, ngành Giáo dục Vĩnh Long đứng trước những thách thức và cơ hội lớn cho việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục.

Sau sáp nhập ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, ngành Giáo dục Vĩnh Long bổ sung nguồn lực và quy mô chưa từng có, đặt ra những thách thức và cơ hội lớn cho việc đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh mới.

Tổ chức lại toàn diện, tăng tốc chuẩn bị cho năm học mới

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, sau sáp nhập, ngành Giáo dục tổng hợp hơn 1.400 cơ sở giáo dục từ Mầm non đến THPT, với gần 41.500 cán bộ, giáo viên, nhân viên và hàng trăm nghìn học sinh. Đây là một trong những ngành giáo dục địa phương có quy mô lớn nhất khu vực ĐBSCL hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.400 cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó: Giáo dục Mầm non hiện có 417 trường, Tiểu học 455 trường, THCS 312 trường, THPT 106 trường. Tỉnh có 3 Trung tâm Giáo dục Thường xuyên, 18 Trung tâm GDNN - GDTX huyện, thành phố; 2 trường Trung cấp, 6 trường cao đẳng và 5 cơ sở đại học.

Các cấp học đều phủ đủ, có cả trường đặc thù dân tộc nội trú, trường chuyên, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên. Mạng lưới đại học, cao đẳng cũng được tổ chức lại với sự tham gia của Trường ĐH Cửu Long, ĐH Trà Vinh… và một số trường nghề.

“Chúng tôi xem đây là cơ hội để xây dựng một hệ thống giáo dục đồng bộ, linh hoạt và đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, không tránh khỏi những khó khăn khi đồng nhất về điều hành, tổ chức lại bộ máy, nhất là trong công tác quản lý”, bà La Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh.

511987627-1193633116109039-4553414642432257118-n.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú - THPT Trà Vinh (Vĩnh Long) tại lễ tốt nghiệp. (Ảnh: Minh Hoàng.)

Cũng theo bà La Thị Thúy, đội ngũ gần 41.500 cán bộ, giáo viên và nhân viên chính là lợi thế của ngành khi bước vào bối cảnh mới. Để sẵn sàng cho năm học 2025 - 2026, tỉnh đang gấp rút bố trí nhân sự, tổ chức lại mạng lưới trường lớp, chuẩn bị cơ sở vật chất và triển khai các hoạt động chuyên môn theo hướng linh hoạt, hiện đại.

Ông Nguyễn Minh Dũng, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long cho biết, giai đoạn đầu sau sáp nhập sẽ gặp không ít khó khăn về điều hành, quy trình. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi là thay đổi tư duy, chuyển từ quản lý hành chính sang phương thức quản lý kiến tạo, linh hoạt, đồng thời nâng cao chất lượng ngành nghề.

Tận dụng chuyển đổi số và liên kết vùng để bứt phá

Những nỗ lực của ngành giáo dục Vĩnh Long trong việc tổ chức lại sau sáp nhập cũng cho thấy một tinh thần sẵn sàng chủ động. Không chờ đợi chính sách, ngành đã và đang triển khai nhiều mô hình liên thông, hợp nhất bộ máy Phòng GD&ĐT, Trung tâm GDTX và các đơn vị nghề nghiệp. Tỉnh cũng bắt đầu xây dựng một đề án chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, tận dụng hệ thống CNTT, các nền tảng học trực tuyến để gia tăng tương tác và hiệu quả.

Thầy Nguyễn Hồng Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, chia sẻ: “Sau sáp nhập, chúng tôi rất mong chương trình đào tạo, phương pháp kiểm tra đánh giá, cùng một số nội dung của một số bộ môn về Lịch sử, Địa lí về địa phương sẽ được thống nhất. Tuy nhiên, điểm tích cực sau khi sáp nhập là có thêm cơ hội học tập, giao lưu, thi đua giữa các cụm trường, nhất là trong phong trào đổi mới sáng tạo trong giảng dạy”.

Không chỉ ở đô thị, các trường ở vùng sâu, vùng đồng bào Khmer cũng đã có nhiều đổi thay tích cực. Thầy Kim Chan Ta Na, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh Trà Vinh (cũ) cho biết: “Những năm qua, học sinh dân tộc thiểu số được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là chính sách hỗ trợ nội trú, miễn giảm học phí. Sau sáp nhập, chúng tôi kỳ vọng cơ sở vật chất trường lớp sẽ được nâng cấp đồng đều hơn, giáo viên ở vùng sâu cũng được tiếp cận các chương trình bồi dưỡng như giáo viên các cơ sở giáo dục khác”

Để đảm bảo hoạt động giáo dục ổn định sau sáp nhập, Sở GD&ĐT Vĩnh Long cũng đang phối hợp với các sở ngành liên quan tiến hành rà soát, sắp xếp lại các cơ sở giáo dục, ưu tiên đầu tư các điểm trường xuống cấp. Đến nay các cơ sở giáo dục thuộc diện sửa chữa, nâng cấp chuẩn bị cho năm học 2025 - 2026 cơ bản đã được triển khai theo kế hoạch. Một số trường dân tộc nội trú, trường chuyên sẽ được đầu tư mới về phòng học, khu nội trú, thư viện và thiết bị thí nghiệm...

484188335-627970093328737-2572880443456642668-n.jpg
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long) trong một cuộc thi về STEM. (Ảnh: Minh Hoàng.)

Về phía đội ngũ, Sở đã hoàn thành 70% nội dung bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý, giáo viên để chuẩn bị cho năm học mới. Các nội dung tập huấn tập trung vào chuyển đổi số, triển khai Chương trình GDPT mới, đánh giá năng lực học sinh và thiết kế hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt, các giáo viên có thể tham gia học trực tuyến qua hệ thống LMS kết nối liên tỉnh, giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả học tập...

Ngay từ khi có chủ trương sáp nhập, ngành Giáo dục đã xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là “Ổn định - Kế thừa - Hội nhập - Phát triển”.Trong lộ trình phát triển dài hạn, ngành Giáo dục Vĩnh Long đang đặt mục tiêu với các chương trình trọng điểm như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy liên kết trường học, doanh nghiệp, trung tâm nghề, đồng thời đẩy mạnh giáo dục STEM và khởi nghiệp học đường.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-vinh-long-san-sang-buoc-vao-ky-nguyen-moi-sau-sap-nhap-post741458.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/nganh-giao-duc-vinh-long-san-sang-buoc-vao-ky-nguyen-moi-sau-sap-nhap-post741458.html
Bài liên quan
Ngành Giáo dục 34 tỉnh, thành sau sáp nhập: Thêm cơ hội cải thiện cơ sở vật chất
Sau sáp nhập, mô hình chính quyền hai cấp đang được kỳ vọng sẽ trở thành “chìa khóa” giúp giáo dục địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành giáo dục Vĩnh Long sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới sau sáp nhập