Dưới đây là một số ngành nghề nằm trong "blacklist" của phụ huynh.
Mỗi mùa tuyển sinh đến, bên cạnh việc hối thúc con ôn thi cẩn thận, chắc hẳn phụ huynh nào cũng "mất ăn, mất ngủ" để chọn ngành học cho con. Đây có thể nói là một "cuộc chiến" thật sự bởi không dễ để cả cha mẹ và con cái tìm được tiếng nói chung trong việc này, ngành con thích thì bố mẹ chẳng ưa, ngành bố mẹ thích thì con chẳng duyệt... Nói chung đến ngày điền vào tờ đăng ký nguyện vọng, chắc gia đình cũng phải "chiến tranh lạnh" đôi ba lần.
Đối với phụ huynh, có một số ngành nghề nằm trong "blacklist" của họ vì lo ngại về cơ hội nghề nghiệp sau này hoặc định kiến xã hội. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải phụ huynh nào cũng thẳng thừng từ chối nếu con "ngỏ lời" theo học những ngành dưới đây và cũng không phải cứ theo học những ngành dưới đây là sẽ thất nghiệp, lương bèo bọt. Có không ít gia đình sẵn sàng cho con theo đuổi đam mê. Đó chính là nền tảng để con thành công trong sự nghiệp sau này. Vậy nên, nếu muốn thì cứ theo học, đừng ngần ngại bạn nhé.
Ảnh minh họa
1. Ngành nghệ thuật
Đa phần phụ huynh không muốn con cái theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật vì họ lo rằng cơ hội việc làm trong lĩnh vực này không nhiều và sau khi tốt nghiệp, con có thể khó khăn trong việc tìm được việc làm với mức lương tốt. Trong một khóa tốt nghiệp ở các trường nghệ thuật, thử hỏi xem có bao nhiêu người có thể trở nên nổi tiếng và trụ vững với nghề? Chính điều này khiến phụ huynh đôi phần hoang mang mỗi khi con ngỏ ý muốn theo đuổi các lĩnh vực liên quan đến nghệ thuật.
Ngoài ra, có một số định kiến cho rằng nghệ thuật không phải là một ngành có sự nghiệp ổn định khi so với các lĩnh vực khác như kỹ thuật, kinh doanh hay y tế. Mà yếu tố "ổn định" luôn được phụ huynh đặt lên hàng đầu mỗi khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con. Phụ huynh lo sợ rằng con cái sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và không có sự bảo đảm về mặt tài chính trong tương lai.
2. Ngành báo chí
Nhiều phụ huynh không muốn con theo đuổi lĩnh vực báo chí vì họ cho rằng công việc này thường khá vất vả, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt với các nữ sinh thì phụ huynh khuyên ngăn không nên học ngành này.
Thứ nữa, trong nhiều tình huống, người làm báo phải tiếp xúc với các tình huống không dự đoán trước được và đôi khi nguy hiểm, chẳng ai muốn con mình làm những công việc có tính chất nguy hiểm cả. Cuối cùng, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin có thể làm giảm sự ổn định việc làm và tăng cạnh tranh trong nghề.
3. Các ngành Khoa học cơ bản
Các ngành khoa học cơ bản, gồm những ngành truyền thống (toán học, vật lý, hóa học, sinh học), các ngành trong khối khoa học trái đất (địa lý, địa chất, môi trường, khí tượng và khí hậu học, hải dương học) thường đòi hỏi một lượng lớn kiến thức chuyên sâu, điều này có thể khiến phụ huynh lo lắng về việc con sẽ đối mặt với nhiều áp lực học tập. Bên cạnh đó, cơ hội nghề nghiệp của những ngành này thường không rõ ràng so với những ngành nghề có tính ứng dụng cao, khiến cho việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp trở nên khó khăn hơn.
4. Ngành Văn học
Nhiều phụ huynh cho rằng khi theo học ngành Văn học, con cái sẽ không có nhiều lựa chọn việc làm và định hướng nghề nghiệp rõ ràng như một số ngành khác. Thêm vào đó, một số phụ huynh lo sợ rằng những người tốt nghiệp ngành văn học có thể phải đối mặt với sự cạnh tranh của thị trường lao động và thu nhập không ổn định trong tương lai.
Quả thực, trong hành trình hỗ trợ con cái lựa chọn nghề nghiệp, nhiều cha mẹ đứng trước bài toán khó: Làm sao cân bằng giữa việc định hướng và tôn trọng quyền tự quyết của con? Để vấn đề này không trở thành gánh nặng, đầu tiên, cha mẹ nên định hướng nghề nghiệp cho con càng sớm càng tốt. Phụ huynh nên mở rộng thế giới việc làm cho con thông qua việc giới thiệu các loại hình nghề nghiệp khác nhau. Điều này không những giúp con tò mò và ham muốn khám phá mà còn hình thành dần những hứng thú nghề nghiệp từ rất sớm.
Tiếp đến, thay vì áp đặt hoặc kiểm soát, cha mẹ cần trở thành những "nhà đầu tư" và "người hỗ trợ" vững chắc cho sự lựa chọn nghề nghiệp của con. Khi trẻ cảm thấy có quyền sở hữu về sự lựa chọn của mình, chúng sẽ càng mạnh mẽ và tự tin hơn trong việc theo đuổi đam mê.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích trẻ tham gia vào công việc thực tế là cực kỳ quan trọng. Khi được tiếp xúc trực tiếp với môi trường làm việc chuyên nghiệp, trẻ không chỉ học hỏi được kỹ năng và kiến thức mới mà còn có cơ hội nhận biết rõ hơn về sở thích và khả năng của bản thân. Vậy nên nếu có cơ hội, hãy cứ cho con dấn thân nhé.
Ảnh minh họa
Cha mẹ cần phải cung cấp cho con sự hướng dẫn cần thiết, từ việc tìm hiểu thông tin về các ngành nghề, đến việc tham gia các hoạt động ngoại khóa hay các chương trình định hướng nghề nghiệp. Và phụ huynh cũng không nên hạn chế khả năng và sự phát triển của con bằng những kỳ vọng không thực tế.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng, mỗi đứa trẻ sinh ra đều là những cá thể riêng biệt với những tiềm năng và đam mê khác nhau. Mục tiêu cuối cùng của việc định hướng nghề nghiệp không chỉ là tìm ra ngành nghề phù hợp mà còn là phát triển toàn diện cá nhân trẻ trong tương lai.
Hy vọng rằng các bậc phụ huynh sẽ thu thập được những thông tin hữu ích và bí quyết đắc lực để có thể đồng hành cùng con cái mình trong hành trình tìm kiếm và lựa chọn nghề nghiệp. Hãy để mỗi bước đi của con trên con đường sự nghiệp là những trải nghiệm đầy niềm vui và ý nghĩa.
Tổng hợp