Ngành khí tượng thủy văn ưu đãi thu hút nhân lực chất lượng cao

Hoài Thương (thực hiện) | 04/08/2021, 09:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT, ngày 28/6/2021 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ thay thế Thông tư 08/2017/ TT-BGDĐT. GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn chia sẻ góc nhìn về tuyển sinh và đào tạo đối với ngành khí tượng thủy văn.

Nếu đưa ra quy định đối với mặt bằng chung của các ngành sẽ dẫn đến sự mất cân bằng đầu ra cho tiến sĩ đối với một số ngành hạn chế hoặc khó về khả năng công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Từ đó dẫn đến sự mất cân bằng trong đào tạo mở các mã ngành đạo tạo về sự thiếu hụt những người có băng cấp tiến sĩ thậm chí xóa mã ngành đào tạo vì không tuyển được đầu vào nghiên cứu sinh.

Theo tôi, đối với kết quả của 1 nghiên cứu khoa học nói chung, của một luận án tiến sĩ nói riêng thì có 2 tiêu chí đánh giá lớn có ý nghĩa như nhau: (1) có điểm mới về phương pháp, lý luận: (2) lựa chọn được phương pháp phù hợp, xây dựng được công cụ có thể ứng dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Thực tế hiện nay, một số nhóm ngành khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản (toán, lý, hóa, sinh) thì tiêu chí số (1) nên được ưu tiên hơn, các kết quả phù hợp công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín sẽ nhanh hơn so với một số ngành khoa học ứng dụng đặc thù (Khoa học Trái Đất - Mỏ), cần có thời gian thử nghiệm và kiểm định số liệu thực tế rất dài – đối với nhóm ngành này, tiêu chí (2) nên được ưu tiên hơn.

Trong giai đoạn mới, nhận thức về sự đa dạng phong phú của các lĩnh vực ngành nghề đào tạo và sự cần thiết của việc ghi nhận và tiếp tục nâng cao chất lượng các công bố trong nước, vì vậy, tiêu chuẩn khung của thông tư 18/2021/TT-BGĐT, theo tôi, sẽ phù hợp hơn so với quy định cũ, tạo sự linh động và nâng trách nhiệm cao hơn đối với cơ sở đào tạo và người hướng dẫn. Các chuẩn của từng ngành nên được giao cho từng cơ sở đào tạo chủ động xác định phù hợp.

Nguồn nhân lực chất lượng cao (Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ) và việc đáp ứng yêu cầu chuyên môn trong thời kỳ mới hiện tại tại Tổng cục Khí tượng Thủy văn thế nào?

KTTV là ngành yêu cầu cao về năng lực chuyên môn, đòi hỏi có nền tảng tốt về kiến thức toán, lý, tin học, đặc biệt là trong lĩnh vực dự báo ngành KTTV hiện nay có khá nhiều các tiến sĩ được đào tạo bài bản, chuyên sâu cả trong nước và nước ngoài đang đảm nhiệm ở các vị trí quan trọng của ngành. Các tiến sĩ đào tạo trong nước hay nước ngoài đều có năng lực chuyên môn tốt, đáp ứng ứng yêu cầu công việc thực tế.

Về nguồn nhân lực hiện tại, Tổng cục KTTV hiện có 2926 người, có 25 Tiến sỹ (01 Giáo sư, 02 Phó giáo sư); Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu hiện có 188 người, trong đó có: 26 Tiến sĩ (trong đó có 01 Giáo sư, 07 Phó Giáo sư); Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội hiện có 550 người, số lượng Tiến sĩ là 102 người (có 13 Phó Giáo sư); Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 350 người, trong đó số lượng giảng viên 240 người, số lượng Tiến sĩ là 38 người (có 02 Giáo sư, 10 Phó Giáo sư). Những con số trên cho thấy tỷ lệ nguồn lực chất lượng cao trong công tácnghiệp vụ thực tế rất ít ỏi. Đây chính là những vấn đề chúng tôi đang rất trăn trở.

Khó khăn và nguyên nhân trong công tác tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao về khí tượng thủy văn là gì? Tổng cục có những chính sách cụ thể nào để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc thưa Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái?

Trong những năm vừa qua, chế độ chính sách đối với công chức, viên chức của ngành KTTV đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nhưng nhìn chung cơ chế chính sách đặc thù của Ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của công chức, viên chức (công chức, viên chức chủ yếu sống bằng lương không có thu nhập tăng thêm) do vậy chưa tạo động lực để khuyến khích được công chức, viên chức nỗ lực cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ.

Thêm nữa, điều kiện làm việc, địa bàn làm việc còn có những khó khăn nhất định điều này đã dẫn đến việc thu hút nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tạingành KTTV gặp nhiều khó khăn. Điều kiện làm việc, sinh hoạt của công chức, viên chức và người lao động công tác trong lĩnh vựcKTTV không kém phần vất vả so với công chức, viên chức của một số lĩnh vực khác như: giáo dục và đào tạo, kiểm lâm.

Để khắc phục phần nào những khó khăn này ngành KTTV đã vận dụng triệt để các quy định của Nhà nước để ưu đãi thu hút nguồn lực chất lượng cao như: Thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao áp dụng từ khâu quy hoạch, bồi dưỡng, đề bạt và bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ, lãnh đạo quản lý; chuyên gia đầu ngành.

Bên cạnh đó là đãi ngộ về đào tạo, bồi dưỡng. Do đó, đến thời điểm hiện nay lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực đã và đang đảm đương những vị trí trọng yếu trong quản lý, nghiên cứu, ứng dụng.Chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh đào tạo bồi dưỡng cho công chức, viên chức ngành KTTV đã tiếp tục được ngành thống nhất đề xuất trong Đề án tăng cường năng lực hệ thống tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2030 và Chiến lược phát triển ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những giải pháp trước mắt và lâu dài về nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Khí tượng Thủy văn trong thời đại 4.0 là gì thưa Giáo sư - Tiến sĩ Trần Hồng Thái?

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng KHCN 4.0, ngành KTTV với tính chất là một ngành khoa học điều tra cơ bản, đặc thù cũng cần phải có những thay đổi từ phương pháp nghiên cứu mới về mạng lưới quan trắc, thiết bị, công cụ hiện đại công nghệ cao, đến hệ thống thông tin, dữ liệu, công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV, theo hướng đầu tư theo chiều sâu, do đó đòi hỏi phải chú trọng trong phát triển nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao, biết làm chủ công nghệ và trực tiếp tham gia vào quá trình ứng dụng những thành tựu KHCN, đó là chìa khóa thành công của sự nghiệp phát triển Ngành.

Phát triển ngành KTTV đồng bộ theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa; lấy việc đầu tư cho KHCN và đào tạo NNL làm giải pháp chủ yếu để phát triển, trên cơ sở kế thừa và phát huy tối đa nguồn lực hiện có; khai thác triệt để thành tựu KHCN trong nước, đồng thời ứng dụng chọn lọc những thành tựu KHCN tiên tiến trên thế giới.

Trong giai đoạn 2021-2025 Tổng cục KTTV tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng NNL coi đây là một trong những yếu tố quan trọng, có vai trò quyết định thúc đẩy phát triển ngành KTTV; đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kỹ năng nghiên cứu, hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại; phát triển đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ, phương pháp, kỹ năng, kiến thức về chuyên môn và quản lý góp phần xây dựng đội ngũ CCVC chuyên nghiệp, có đầy đủ phẩm chất, trình độ và nâng cao năng lực, chất lượng CCVC.

Tiếp tục thực hiện thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực chất lượng cao từ việc: Phát hiện, theo dõi, hướng nghiệp, thu hút những sinh viên xuất sắc được đào tạo ở các cơ sở đào tạo đại học trong nước và sinh viên xuất sắc là người Việt Nam học tập trong các cơ sở đào tạo đại học ở nước ngoài; cán bộ khoa học trẻ từ các cơ sở đào tạo; từ trong thực tiễn công tác ở Trung ương và địa phương.Áp dụng những chính sách tuyển dụng trực tiếp không qua thi tuyển đối với những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Chính sách đào tạo, bồi dưỡng đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng....

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
PTT Vũ Đức Đam: cần tiếp thu các ý kiến xác đáng trong đào tạo tiến sĩ
Ngày 15/7, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi Bộ GD-ĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ đang gây tranh cãi gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ngành khí tượng thủy văn ưu đãi thu hút nhân lực chất lượng cao