PGS.TS Hà Sơn Tùng gợi ý 5 nhóm giải pháp: Thứ nhất, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Thứ hai, trên cơ sở phân tích nhu cầu xã hội, cơ sở giáo dục cần đổi mới tư duy về việc thiết kế chương trình, lấy sinh viên làm trung tâm. Theo đó các môn học cần được thiết kế nhằm đào tạo ra các sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội, giảm thiểu việc đào tạo lại. Khi định hướng đào tạo QTKD được đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các học phần trong chương trình đào tạo sẽ phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số.
Thứ ba, thay đổi nhận thức, năng lực của người quản lý, của giảng viên trong việc xác định rõ chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra học phần. Các giảng viên cũng cần hiểu về vị trí, đóng góp của học phần mình phụ trách trong mối quan hệ với chương trình đào tạo.
Thứ tư, thúc đẩy, khuyến khích việc ứng dụng phần mềm trong nội dung đào tạo, ứng dụng phần mềm trong quản lý đào tạo.
Thứ năm, cơ sở giáo dục cần có chiến lược, kế hoạch định kỳ trong việc tổ chức đào tạo, cập nhật phần mềm cho giảng viên. “Không chỉ là những phần mềm quản lý đào tạo mà cả những phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin với học phần mình phụ trách. Điều này giúp giảng viên hiểu được các công cụ mới, nắm bắt được xu hướng và sự thay đổi trong ứng dụng công nghệ mà thực tiễn doanh nghiệp đòi hỏi” - PGS.TS Hà Sơn Tùng trao đổi.
PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn: Cần gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp. |
PGS.TS Vũ Quang Thọ - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn đề cập hai nội dung quan trọng là: Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo ngành QTKD như những học phần cần thiết trong chương trình đào tạo. Cùng với đó là đổi mới phương pháp khoa học của giảng viên, đội ngũ giảng viên, tài liệu tham khảo.
Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn cũng đưa ra các giải pháp đổi mới về sự gắn kết chặt chẽ giữa giảng dạy lý thuyết với thực tiễn tại doanh nghiệp, ấn định lại quy trình thực hành ngành QTKD và kiểm nghiệm tính hiện thực của ngành đào tạo trong thực tế.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Theo PGS.TS Vũ Quang Thọ, đào tạo là một quá trình cả với người đào tạo và với người được đào tạo. Trong quá trình đó, yêu cầu thường xuyên đổi mới, đổi mới liên tục về nội dung chương trình, bài giảng của từng giảng viên, phương pháp giảng dạy, những ví dụ, cách nhập môn…
“Đây là một yêu cầu tất yếu với lý do người đi đào tạo và người được đào tạo, đều là các trí thức, đều hiểu biết, đều có nhu cầu về cái mới, về sự đổi mới. Do đó, đổi mới liên tục, tìm cái mới là bản chất của sáng tạo. Tính chất của giáo dục là đi đến sáng tạo cái mới hơn. Đó cũng là sự phát triển” - PGS.TS Vũ Quang Thọ nhấn mạnh.
TS Lê Mạnh Hùng mong muốn, trong phạm vi của Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận một số nội dung như: Những vấn đề chung về đào tạo và đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Thực trạng, giải pháp đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Kinh nghiệm về đào tạo ngành QTKD trong bối cảnh chuyển đổi số và thích ứng biến đổi. Những vấn đề khác liên quan đến chuyển đổi số và đào tạo ngành QTKD.