Để giải quyết một số khó khăn của Hà Nội, theo ông Dũng, vừa phải làm việc trước mắt, vừa phải tính đến những việc lâu dài. Cụ thể, thành phố dự kiến báo cáo Quốc hội trong tháng 10 tới về hai Quy hoạch lớn của Thủ đô; Tổng kết thi hành Luật Thủ đô.
" Thành phố sẽ phát triển 2 thành phố trực thuộc . Thành phố phía Bắc là Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Phía Tây là Hoà Lạc, Xuân Mai. Định hướng thành phố phía Tây là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Để làm được thì thành phố quyết tâm đầu tư về hạ tầng để có điều kiện hút các cơ quan lên đó", ông Dũng nói.
Bí thư Hà Nội nêu, việc di dời các trường đại học lên trên Hoà Lạc đã có chủ trương từ rất lâu, nhưng làm không tới và làm không được. Sau khi di dời, thành phố ưu tiên dành đất làm công trình công cộng, tuyệt đối không làm nhà ở. Ông Dũng nói, trong Luật Thủ đô sửa đổi sẽ kiến nghị có cơ chế để Thủ đô chủ động trong việc này.
"Nếu làm được việc này, cùng với làm đường Vành đai 4 và một số đường hướng tâm, vành đai khác thì có cơ hội giải quyết được các vấn đề đang bức xúc trong nội đô như ùn tắc, rác thải, thiếu trường học, bệnh viện...", ông Dũng nói thêm.
Nói về đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, ông Dũng nhấn mạnh, ngoài yếu tố mở ra không gian phát triển mới cho Thủ đô, còn thực hiện chủ trương phát triển đồng đều giữa các vùng của Hà Nội, đặc biệt là tạo cơ hội phát triển cho các huyện phía Tây, Tây Nam của thành phố.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nói, dự kiến ngày 25/6 tới sẽ khởi công dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội .
"Sau hơn 1 năm làm thủ tục để Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư vào Kỳ họp Quốc hội tháng 6 năm ngoái, đến tháng 6 năm nay, đúng tròn 1 năm, chúng ta khởi công được dự án", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, thành phố thực hiện đúng cam kết bàn giao 70% mặt bằng sẽ khởi công. "Khả năng đến hôm khởi công sẽ đạt 80%", ông Dũng nói.
Về đề xuất của lãnh đạo các cơ quan báo chí, ông Dũng đề nghị UBND thành phố, các cơ quan, sở, ngành, đơn vị thành phố phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí.
Trước đó, đại biểu các cơ quan báo chí đã nêu ý kiến, trao đổi với lãnh đạo thành phố. Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng bày tỏ ấn tượng về sự vươn lên, lớn mạnh về kinh tế của Hà Nội khi lọt vào tốp 10 thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất Đông Nam Á; thu ngân sách nhà nước đã vượt 300.000 tỷ đồng/năm, tương đương với mỗi ngày Hà Nội thu về cho ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng.
Nhấn mạnh ý nghĩa to lớn của việc thành phố quan tâm, tập trung đầu tư phát triển văn hóa, nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ: “Ngay như ở quê tôi ở Ba Vì, đình làng bao năm mong ước tu tạo, nhờ chủ trương của thành phố, hiện nay đang được thực hiện. Đó là giá trị, là cội nguồn, nên người dân rất hoan hỷ”.
Nhà báo Phùng Công Sưởng đề nghị lãnh đạo các cơ quan thành phố, nhất là các sở, ngành cởi mở hơn nữa với báo chí, coi báo chí như những người đồng hành với thành phố.