Theo học viên Nguyễn Ngọc Anh, đối với những giáo viên mới, đây có thể là cơ hội để tìm hiểu thực tế, tìm hiểu những gì mà người khác đang làm và hình thành chiến lược để tự cải thiện có thể giúp họ đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của mình. Đối với giáo viên lâu năm luôn có nhiều điều kiện học hỏi vì xu hướng hoặc công nghệ mới sẽ thay đổi việc học của học sinh hoặc khơi dậy lòng nhiệt tình với nghề của họ.
Đề cập đến vấn đề quản lý bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên ở trường tiểu học theo yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông 2018, học viên Nguyễn Thị Nam – K24 Quản lý giáo dục – nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập.
Trước sức ép về sĩ số học sinh ngày càng tăng, chương trình giáo dục phổ thông mới, tiến bộ không ngừng của khoa học công nghệ, giáo viên, nhà trường phải đối mặt với những thách thức trong việc đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của giáo viên tiểu học và đáp ứng yêu cầu của nhà trường đổi mới giáo dục phổ thông.
Đại biểu, nhà khoa học trao đổi, góp ý cho học viên về nghiên cứu khoa học. |
Từ khảo sát của mình, học viên Nguyễn Thị Nam nhận thấy, công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp giáo viên ở các trường tiểu học trên địa bàn Thanh Oai (Hà Nội) còn một số yếu kém. Chẳng hạn như: hoạt động cấp tổ chuyên môn còn mang tính hình thức, chưa khuyến khích được giáo viên tự học, tự bồi dưỡng…
Từ thực tiễn khách quan, học viên Nguyễn Thị Nam đề xuất: cần nâng cao nhận thức cho giáo viên về tầm quan trọng của hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học. Tiếp tục đổi mới việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho giáo viên tiểu học theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, đa dạng hóa phương thức bồi dưỡng cho giáo viên; đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá các hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giáo viên theo chuẩn hóa. Tăng cường nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp giáo viên theo hướng chuẩn hóa.
Gợi mở để giáo viên xác định và thỏa mãn nhu cầu phát triển nghề nghiệp, học viên Nguyễn Ngọc Anh đến từ Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) – cho rằng, phát triển nghề nghiệp giáo viên có hiệu quả cần dựa vào nhu cầu của giáo viên, nhà trường và của hệ thống giáo dục. Nó có thể được thực hiện một cách chính thức hoặc không chính thức.
Học viên cao học thảo luận sôi nổi tại hội nghị. |
“Suy ngẫm và phản hồi là điểm khởi đầu cho hoạt động phát triển nghề nghiệp giáo viên. Tận dụng tối đa sự phát triển nghề nghiệp thật sự là một bài tập về suy luận và cũng là yêu cầu tất yếu đối với mỗi giáo viên nếu họ muốn gắn bó lâu dài với nghề nghiệp của mình” – học viên Nguyễn Ngọc Anh nêu vấn đề.
Học viên Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, đặt ra và giải đáp những câu hỏi liên quan đến nghề nghiệp, chủ động đề xuất và sẵn sàng đón nhận hướng dẫn, tư vấn của đồng nghiệp, biết cách tự chăm sóc bản thân là những gợi ý để giáo viên xác định, thỏa mãn nhu cầu phát triển nghề nghiệp thông qua phát triển nghề nghiệp không chính thức.
Tại hội nghị, các học viên, nhà khoa học đã có những thảo luận, góp ý sôi nổi về một số giải pháp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó có phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, cách thức quản lý thiết bị dạy học và công nghệ trong các trường phổ thông và xây dựng yếu tố chất lượng ở các cơ sở giáo dục đại học có chức năng đào tạo.