Ảnh minh họa/ITN. |
Phản hồi đề nghị khác của Đoàn giám sát về “đánh giá kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ cung cấp SGK cho thư viện các trường vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh khuyết tật, cần tính toán đầy đủ, đánh giá toàn diện tác động của việc bố trí ngân sách nhà nước để mua sách giáo khoa cấp cho thư viện các trường học dùng chung”, Chính phủ có ý kiến qua báo cáo như sau:
Nhà nước đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ học sinh tại các vùng khó khăn. Trong đó, học sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo hoàn toàn được dùng tiền hỗ trợ của Nhà nước để bảo đảm có đủ SGK cho học sinh.
Cụ thể, tại Điều 18 và khoản 10 Điều 20 Nghị định 81 quy định nâng mức hỗ trợ chi phí học tập từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350.000 đồng/1 năm) để giúp học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm kinh phí mua sắm sách vở, đồ dùng và dụng cụ học tập, đặc biệt là SGK mới.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án mua SGK trang bị cho thư viện để học sinh mượn sử dụng.
Bộ GD&ĐT đã có công văn số 5687/BGDĐT-KHTC ngày 28/10/2022, công văn số 705/BGDĐT-KHTC ngày 23/2/2023 gửi các địa phương đề nghị báo cáo số liệu học sinh và đề xuất nhu cầu kinh phí mua SGK cho học sinh mượn, sử dụng; số kinh phí ngân sách địa phương tự cân đối và đề xuất kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương.
Hiện nay, Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổng hợp báo cáo của các địa phương, tính toán, xây dựng các phương án hỗ trợ, đánh giá tác động tới ngân sách nhà nước và xin ý kiến Bộ Tài chính về khả năng cân đối ngân sách nhà nước, để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.