(GDTĐ) - Bén duyên với chữ Hán ngay từ cấp 1, thầy Nguyễn Văn Phương đã trở thành giảng sư của Nhân Mỹ học đường ở tuổi đôi mươi.

Nối dài truyền thống gia đình

Thầy Nguyễn Văn Phương (SN 1989, quê Hoài Đức - Hà Nội) công tác tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã 6 năm. Phương tiếp xúc với chữ Hán từ khá sớm vì sống trong gia đình có truyền thống Nho học. Cụ của Phương là thầy đồ. Cuối năm lớp 4, Phương đã quyết định theo học lớp chữ Hán trong làng.

Ngày đó, học chữ Hán gặp nhiều khó khăn. Ít bạn bè cùng học nên không nhiều cơ hội trao đổi. Thầy chủ yếu phải tự mày mò, luyện tập.

Ban đầu, Phương chỉ theo học chữ Hán để thỏa mãn đam mê. Cho đến khi ôn thi đại học, Phương quyết định thi vào ngành Hán Nôm của Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Thi đỗ, Phương chính thức đi vào con đường học chữ Hán một cách bài bản.

cau-sinh-vien-19-tuoi-dung-tren-buc-giang-day-chu-han-nom-1.jpeg
Nguyễn Văn Phương mê chữ Hán từ nhỏ bởi sinh ra trong gia đình Nho học.

Có duyên với “gieo” chữ

Nhân Mỹ học đường do thầy Lê Trung Kiên sáng lập vào năm 2005. Đây là một bộ phận của phòng chuyên môn - Tổng hợp trực thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Nhân Mỹ học đường thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng về chữ Hán, thư pháp chữ Hán và các giá trị văn hóa truyền thống thông qua cứ liệu ngữ văn Hán - Nôm. Thầy Lê Trung Kiên nhiều lần ngỏ lời mời thầy Nguyễn Văn Phương về giảng dạy. 

“Năm 2010 mình đang là sinh viên năm 2. Do theo học từ cấp 1 nên cũng có vốn kiến thức tương đối về chữ Hán. Sau khi được học chính quy tại Trường mình tự tin hơn. Khi được thầy Kiên ngỏ lời mình đồng ý tham gia.

Thời gian đầu mình giao lưu và đứng lớp đỡ các thầy. Về sau, quy mô của học đường ngày càng mở rộng, không có nhiều người dạy chữ Hán nên mình trực tiếp tham gia giảng dạy”, thầy Nguyễn Văn Phương chia sẻ.

Đứng trên bục giảng ở Nhân Mỹ học đường, Nguyễn Văn Phương khá bỡ ngỡ khi xử lý các tình huống ở trên lớp. Bởi bản thân không có nhiều kinh nghiệm về chuyên ngành sư phạm. Học viên từ trẻ em đến người già. Với sự giúp đỡ của các giảng sư, Phương dần quen với lớp học và thấy được niềm vui mỗi lần giảng bài.

cau-sinh-vien-19-tuoi-dung-tren-buc-giang-day-chu-han-nom-2.jpeg
Học viên ở học đường đa phần là người lớn tuổi. Ảnh: NVCC

Không gian của học đường tổ chức tại 2 cơ sở. Đó là chùa Tứ Kỳ (Hoàng Mai, Hà Nội) và chùa Mễ Trì Thượng (Từ Liêm, Hà Nội). Đối với thầy Phương, Nhân Mỹ học đường là một nơi giúp cho bản thân tĩnh lặng tâm trí.

Trong thời gian Covid-19, Nhân Mỹ học đường đã triển khai hình thức học trực tuyến từ giữa tháng 9/2021.

Theo thầy Phương, thời gian đầu triển khai rất vất vả. Đối tượng học viên của học đường rất đặc thù, không đồng đều về kiến thức, độ tuổi. Có những cụ 70, 80 tuổi cũng theo học nên việc tiếp cận với công nghệ thông tin rất khó khăn. Hầu hết học đường phải phân công cả bộ phận đào tạo trợ giúp cho những học viên cao tuổi để có thể theo được tiến trình học của lớp.

Về trang thiết bị, Nhân Mỹ học đường là cơ sở giảng dạy chữ Hán và thư pháp miễn phí. Cho nên trang thiết bị, công nghệ thông tin còn nhiều hạn chế.

Cùng với sự nỗ lực của thầy Nguyễn Văn Phương và giảng sư tại học đường, các học viên đã làm quen cũng như tiếp thu tốt kiến thức từ việc giảng dạy trực tuyến. Đến giữa tháng 4, Nhân Mỹ học đường đã tổ chức giảng dạy trực tiếp trở lại.

cau-sinh-vien-19-tuoi-dung-tren-buc-giang-day-chu-han-nom-3.jpeg
Môn sinh tề tựu tại Giảng đường chùa Mễ Trì Thượng để tham dự một chuyên đề. Ảnh: Nhân Mỹ học đường

Để phát huy và lưu giữ truyền thống dân tộc, thầy Phương mong muốn thế hệ trẻ phải cố gắng trau dồi, học hỏi. Hiểu biết hơn về tinh thần sùng văn, hiếu học của dân tộc, giữ được cái hay, cái đẹp trong nét văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Bài liên quan
Giảm nhiệt xung đột học đường từ đổi mới phương pháp, nâng cao chuyên môn
Thầy giáo “ngồi im” khi học sinh đánh nhau trong lớp. Học sinh đánh bạn bất chấp kỷ luật trường lớp học; học sinh thay vì can ngăn sự việc lại ghi hình phát lại…

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người trẻ mê chữ cổ