Theo một cuộc khảo sát 1.500 độc giả từ thanh thiếu niên đến người cao tuổi vào đầu năm nay, người Thái dành khoảng 113 phút mỗi ngày để đọc sách.
Ông Suwich Rungwattanapaiboon - Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản và Bán sách Thái Lan (PUBAT) cho biết nhiều người trẻ Thái Lan thích đọc sách vì họ muốn thoát khỏi mạng xã hội. Người cao tuổi chú ý đến sách điện tử nhiều hơn so với thanh thiếu niên, nhờ vào các trình mở rộng văn bản và trình tạo âm thanh.
Chủ tịch PUBAT nhấn mạnh rằng, nghiên cứu này cũng cho thấy độc giả dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử. Mọi người mua sách giấy và sách điện tử kỹ thuật số (e-book) trên các nền tảng thương mại điện tử.
“Hơn 500 hiệu sách đã được mở trên nền tảng thương mại điện tử Shopee và một số trong số đó do các công ty xuất bản sách điều hành. Các nhà xuất bản này cạnh tranh với những nhà xuất bản khác trên các nền tảng thương mại điện tử bằng cách cung cấp các chương trình tặng quà và giảm giá”, ông Suwich nói thêm.
Theo ông Suwich, meb - một ứng dụng sách điện tử di động, đã chiếm hơn 60% thị trường xuất bản với hiệu suất kinh doanh tăng hơn 100% trong ba năm liên tiếp. Thư viện Quốc gia Thái Lan đã báo cáo vào năm ngoái rằng có tới 4.086 trong số 29.265 cuốn sách của thư viện đã được xuất bản dưới dạng sách điện tử.
Tuy nhiên, ông Suwich cũng khẳng định ngành xuất bản ở Thái Lan vẫn giữ được vị thế của mình khi các hội chợ sách diễn ra vào tháng 4/2024 đã thu hút 1,6 triệu người, tạo ra doanh thu 14 tỷ baht.
“Năm nay, sách bán chạy nhất trong sự kiện bao gồm tiểu thuyết (41%), tiểu thuyết nhẹ và truyện tranh (21%), sách ôn luyện thi (13%), sách hướng dẫn (11%) và sách về sức khỏe (10%)”, Chủ tịch PUBAT thông tin.
Ông Teerapat Charoensuk - thành viên tiểu ban thúc đẩy ngành xuất bản của Cơ quan Văn hóa Sáng tạo Thái Lan cho biết, việc tạo điều kiện cho người dân Thái Lan đọc sách có vai trò quan trọng trong việc quảng bá sách Thái Lan ra quốc tế.
“Trẻ em không nên bị ép buộc phải ghi nhớ, đọc và viết, điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sự nhàm chán của trẻ đối với sách vở”, ông nói và khuyến nghị nên cung cấp những cuốn sách phù hợp với trẻ em ở từng giai đoạn học tập để nâng cao kiến thức, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của trẻ.
Việc thúc đẩy thói quen đọc sách cần có sự hợp tác từ Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để đảm bảo rằng nó sẽ trở thành một phần của văn hóa và sự phát triển của trẻ em, theo ông Teerapat Charoensuk. Ngoài ra, quảng bá sách và văn học Thái Lan ra quốc tế cũng là một cách để tăng cường “sức mạnh mềm” của Thái Lan, chẳng hạn như ẩm thực, nghệ thuật, thể thao và du lịch.
“PUBAT đã đạt được thành công tại Hội chợ Bản quyền Bangkok vào tháng 4 với sự tham gia của các nhà xuất bản và chủ sở hữu bản quyền từ 14 quốc gia. Chính phủ nên hỗ trợ dịch sách tiếng Thái cho các nhà xuất bản và tác giả, để những tác phẩm văn học như vậy có thể được bán dưới dạng kỹ thuật số”, ông Teerapat nói và cho biết thêm, ngành xuất bản Thái Lan có thể phát triển hơn nữa nếu có nhiều hoạt động thúc đẩy việc đọc sách hơn, chẳng hạn như xây dựng cộng đồng độc giả, tổ chức hội chợ sách và tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa nhà xuất bản và độc giả.
Ông Suwich cho biết, người Thái thích đọc truyện tranh và tiểu thuyết, cũng như sách về tâm lý học, sách hướng dẫn và Phật pháp.