Người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 IELTS cả 4 kỹ năng chia sẻ về việc chứng chỉ ngoại ngữ bị thần thánh hóa

Đông Đông - Ảnh: NVCC, | 24/06/2023, 08:33
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo thầy Kiên, việc "thần thánh hóa" chứng chỉ IELTS có thể dẫn đến sai lệch về nhận thức giá trị của nó.

Tuy nhiên, với việc IELTS có thể được dùng cho nhiều mục đích như kể phía trên, không khó để thấy nhiều học sinh và phụ huynh đang chỉ chú trọng vào điểm số. Nó dẫn đến hệ lụy là học sinh thường sẽ bỏ bê tiếng Anh sau khi đã có điểm số mình mong muốn. Điều này cũng dẫn đến việc có các ứng viên có điểm IELTS khá nhưng không dùng để làm việc được do đã quên kiến thức, dẫn đến lãng phí thời gian học và áp lực về sau nếu phải thi lại.

"Điều tôi lo lắng nhất là người học quan tâm quá nhiều đến điểm số khi ôn thi chứng chỉ này thay vì chú ý đến vấn đề cải thiện trình độ của bản thân và duy trì việc học tiếng Anh để có thể dùng nó hiệu quả. Và khi kết quả IELTS được dùng như một trang sức để so sánh đẳng cấp, sẽ dẫn đến việc các bạn điểm IELTS thấp cảm thấy tự ti, và châm ngòi cho cuộc đua đến điểm IELTS cao - ngay cả khi nó không cần thiết - dẫn đến lãng phí về thời gian và tiền bạc", thầy giáo 9X bày tỏ.

Đừng hiểu sai giá trị của tấm bằng IELTS

IELTS thực ra chỉ là một lựa chọn trong nhiều lựa chọn khác cho người học. Ví dụ như để ứng tuyển một vài đại học trong nước thì học sinh có thể sử dụng IELTS, TOEIC, hoặc TOEFL, và các chứng chỉ khác chứng minh được học sinh có trình độ tương đương mức yêu cầu. Việc IELTS hiện đang phổ biến hơn so với các chứng chỉ còn lại ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do nó được chấp nhận ở nhiều công ty, và cơ sở giáo dục các cấp bậc ở Việt Nam.

Không thể phủ nhận bài thi này có độ chính xác và uy tín cao, nhưng việc "thần thánh hóa" chứng chỉ IELTS có thể dẫn đến sai lệch về nhận thức giá trị của nó. Nó đánh giá được khả năng sử dụng ngôn ngữ của một người, chứ không đánh giá được nhiều về tư duy và kỹ năng cá nhân khác. Chỉ ở những điểm số nói và viết từ 8.0-9.0 mới đòi hỏi người thi thể hiện phần nào đó khả năng tư duy logic, phản biện và nhìn từ nhiều khía cạnh. Nếu chỉ dùng IELTS như một thước đo về năng lực nói chung của một người thì nó không chính xác.

Thầy Kiên lập luận thêm, đúng là tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống ngày nay và nó có thể được coi là điều kiện cần để trở thành một công dân toàn cầu. Khi có ngoại ngữ, chúng ta có thể tiếp cận kiến thức, văn hóa mới và giao tiếp với người dân ở các đất nước khác dễ dàng hơn. Tuy nhiên nó không phải là điều kiện đủ - điều quan trọng nhất vẫn là chúng ta làm được gì hơn nữa với tiếng Anh. Liệu chúng ta có dùng nó để học được thêm kiến thức, cách làm, công nghệ gì mới không? Liệu chúng ta có hiểu thêm về các tục lệ, lễ nghi, ẩm thực của các đất nước khác để thấu hiểu nhau hơn không?

Ngoài ra, người trẻ cũng nên chú ý trau dồi thêm kiến thức xã hội, tham gia nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa và thể thao để hiểu bản thân hơn và tìm thấy đam mê. Có một sự thật buồn là đa phần học sinh lựa chọn sai trường và sai ngành sau khi kết thúc cấp trung học phổ thông. Hệ lụy là áp lực rất lớn khi phải học chuyên ngành mình không hứng thú ở đại học. Do không có đam mê, các bạn đó cũng không đầu tư đủ cho việc học để có kiến thức làm tốt công việc trong ngành sau khi ra trường. Điều này dẫn đến lãng phí về tiền bạc cho việc học, đào tạo lại và cũng lãng phí nhân lực trẻ của đất nước.

Kết

Ngoại ngữ là một chiếc "chìa khóa vàng" giúp chúng ta mở ra và tiếp cận với thế giới. Tuy nhiên, hiện nay một số người lại lấy việc học tiếng Anh hay chứng chỉ ngoại ngữ làm công cụ để "lăng xê" bản thân hay thần thánh nó đến mức coi việc sở hữu IELTS là có tất cả.

Cũng chính từ đây, có rất nhiều lò luyện "mọc lên" như nấm để dạy chứng chỉ này, nhưng không đào sâu vào bản chất của việc học ngoại ngữ mà luôn dạy mẹo, dạy tủ... Nhưng khả năng ngôn ngữ của một người không chỉ gói gọn trong một kỳ thi. Đạt điểm cao trong các kỳ thi lấy chứng chỉ không đồng nghĩa với việc người đó có khả năng giao tiếp hoàn hảo và kỹ năng làm việc hiệu quả. Thậm chí, có nhiều học sinh thừa nhận họ thi được 8.0 IELTS nhưng khi du học ở các nước nói tiếng Anh, đôi khi vẫn không thể hiểu được hết ngụ ý của người dân địa phương.

Bản chất của IELTS không "méo mó", cái "méo mó" nằm ở suy nghĩ của mỗi người. Duy trì được trình độ ngoại ngữ tốt là cả một quá trình dài trau dồi và phát triển. Vì thế, hãy tiếp cận ngoại ngữ như một hành trình chinh phục tri thức, chứ đừng biến nó thành một công cụ để chứng minh "ta đây" trong cuộc đua thành tích thông qua một tấm bằng.

Theo Phụ nữ Việt Nam
https://phunuvietnam.vn/nguoi-viet-nam-dau-tien-dat-90-ielts-ca-4-ky-nang-chia-se-ve-viec-chung-chi-ngoai-ngu-bi-than-thanh-hoa-20230623214959201.htm
Copy Link
https://phunuvietnam.vn/nguoi-viet-nam-dau-tien-dat-90-ielts-ca-4-ky-nang-chia-se-ve-viec-chung-chi-ngoai-ngu-bi-than-thanh-hoa-20230623214959201.htm
Bài liên quan
Bài toán đơn giản này có kết quả bằng bao nhiêu?
Phải mất bao lâu bạn mới giải được bài toán tưởng chừng "dễ như ăn kẹo" này?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người Việt Nam đầu tiên đạt 9.0 IELTS cả 4 kỹ năng chia sẻ về việc chứng chỉ ngoại ngữ bị thần thánh hóa