Liên minh của ông Rutte đã cố gắng trong nhiều tháng để đạt được một thỏa thuận nhằm giảm dòng người di cư mới đến đất nước gần 18 triệu dân này. Các đề xuất được cho là bao gồm việc phân loại hai nhóm tị nạn, một nhóm tị nạn tạm thời dành cho những người chạy trốn xung đột và một nhóm tị nạn vĩnh viễn dành cho những người muốn thoát khỏi cuộc sống cũ, đồng thời giảm số lượng thành viên gia đình được phép đi kèm những người xin tị nạn ở Hà Lan.
Năm ngoái, hàng trăm người xin tị nạn đã buộc phải ngủ ngoài trời gần một trung tâm tiếp nhận đang bị quá tải do số lượng người đến Hà Lan vượt quá số giường có sẵn.
Trong năm 2022, đã có hơn 21.500 người từ bên ngoài châu Âu xin tị nạn ở Hà Lan, theo văn phòng thống kê của nước này. Hàng chục nghìn người khác đã chuyển đến Hà Lan để làm việc và học tập. Con số trên gây căng thẳng cho quỹ nhà ở vốn đã thiếu hụt ở quốc gia đông dân cư.
Thủ tướng Rutte cũng thúc đẩy các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm làm chậm quá trình di cư sang liên minh 27 quốc gia. Ông Rutte đã đến thăm Tunisia (Bắc Phi) vào tháng trước cùng với người đồng cấp Ý và Chủ tịch ủy ban điều hành của EU để cung cấp hơn 1 tỷ euro viện trợ tài chính, từ đó góp phần ngăn chặn dòng người di cư từ các bờ biển của nước này sang châu Âu.
Chính phủ liên minh của Thủ tướng Rutte, chính phủ thứ tư do ông lãnh đạo, nhậm chức vào tháng 1/2022 sau các cuộc đàm phán liên minh dài nhất trong lịch sử chính trị Hà Lan.
Cuộc bầu cử hạ viện Hà Lan vào cuối năm nay sẽ diễn ra trong bối cảnh chính trị phân cực và chia rẽ khi có tới 20 đảng trong hạ viện 150 ghế.
Thủ tướng Rutte sẽ không tranh cử nhiệm kỳ thứ năm và sẽ rời khỏi chính trường sau cuộc bầu cử vào tháng 11, ông cho biết hôm 10/7.
"Trong những ngày gần đây có rất nhiều đồn đoán về động cơ thúc đẩy tôi. Câu trả lời duy nhất là Hà Lan", ông Rutte nói trong bài phát biểu trước quốc hội. "Sáng hôm qua, tôi đã quyết định rằng tôi sẽ không còn là lãnh đạo của VVD nữa. Một khi nội các mới được thành lập sau cuộc bầu cử, tôi sẽ rời khỏi chính trường."