Trong khi đó, một trung tâm khác tại Hà Nội lại quảng cáo việc học nhảy TikTok sẽ giúp trị gù lưng ở trẻ, phát triển chiều cao, cơ lưng khỏe, cơ thể dẻo dai và muôn vàn lợi ích khác mà không hề nhận thức được những nguy hại mà TikTok có thể gây ra cho sức khỏe, tâm lý của trẻ em.
Một trung tâm tại TP.HCM giới thiệu khóa học TikTok Dance Trend với giá 200.00 đồng/buổi. |
Sau khi xem một số video nói trên, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội - nhận xét việc giáo viên dạy trẻ nhảy, ghi lại hình ảnh và đăng tải lên mạng xã hội có thể là do cảm xúc nhất thời, muốn vui, muốn thể hiện, cũng có thể muốn nhắn gửi tới phụ huynh việc giáo viên tổ chức hoạt động cho trẻ.
Tuy nhiên, điều đó cũng cho thấy nhiều giáo viên chưa được trang bị đủ năng lực số, không nhận thức được những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ảnh hưởng đến học sinh, đồng thời vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng khi TikTok giới hạn độ tuổi sử dụng.
“Bản chất những bài nhảy TikTok không giúp ích nhiều cho học sinh, hạn chế trẻ tương tác trực tiếp, học các kỹ năng bên ngoài xã hội. Ở khía cạnh nào đó, việc lấy bài nhảy trên TikTok để dạy cho trẻ còn cho thấy giáo viên không đủ năng lực sư phạm, nghĩa là cô không đủ khả năng biên tập những bài múa cho học sinh, dạy học sinh cover lại bài nhảy chỉ nhằm mục đích quay video mà không rút ra bài học gì cho trẻ", ông Nam nói.
Bên cạnh đó, việc người lớn dạy trẻ nhảy TikTok, quay và vô tư đăng tải video đã trực tiếp khơi gợi sự tò mò của trẻ, kích thích chúng tìm hiểu và sử dụng nền tảng mạng xã hội này từ sớm.
Không chỉ giáo viên, ông Nam cho rằng phụ huynh có hành động tương tự cũng đang thiếu kiến thức về an toàn trên không gian mạng, nhất là khi để lộ “dấu chân số" của trẻ quá sớm, gây nguy hại đến trẻ.
“Tâm lý nhiều phụ huynh rất trái ngược, không muốn con dậy thì sớm, yêu sớm nhưng lại để con ăn mặc không đúng lứa tuổi. Khi con nhảy nhót, uốn éo phản cảm lại thấy thích thú”, ông Nam nhận định và cho rằng điều này khiến nguy cơ lộ lọt thông tin, mất dữ liệu ngày càng lớn. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những đối tượng lừa đảo, quấy rối, bắt nạt trên mạng.
Tương tự, nhận xét về những video trẻ nhảy TikTok, giáo viên và phụ huynh đưa hình ảnh đó lên mạng xã hội, cô Tiêu Thị Trang - Chủ cơ sở mầm non độc lập Bình Minh (Hà Đông, Hà Nội) - cho rằng đó hành động phản cảm, không phù hợp trong môi trường giáo dục, từ lứa tuổi, âm nhạc, trang phục cho đến động tác cơ thể.
Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực giáo dục, cô Trang không khuyến khích việc giáo viên cho trẻ nghe nhạc không đúng lứa tuổi, xem video chứa nội dung ngoài chương trình học, đặc biệt không quay video TikTok theo trend để đăng tải lên mạng xã hội.
Theo cô Trang, việc cho trẻ tiếp xúc với nhạc, tiếng ồn quá lớn về lâu dài có thể ảnh hưởng đến thính giác của trẻ, xem và nghe quá nhiều sẽ dẫn tới xu hướng cảm âm của con bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, mạng xã hội phát triển đã kéo theo những hệ lụy đối với trẻ em, nhất là khi trẻ chưa nhận thức được việc tốt, việc xấu, việc thật hay chiêu trò nhằm mục đích câu view. Việc đưa hình ảnh, thông tin của con lên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ với trẻ, đẩy trẻ vào tình thế dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo ông Nam, cần phải có ranh giới rõ ràng đối với việc giáo viên, phụ huynh cho trẻ nhảy TikTok, quay và đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội.
Theo đó, trẻ hoàn toàn có thể học nhảy để rèn luyện thể chất, nhưng thay vì nhảy TikTok, hãy dạy trẻ những hoạt động lành mạnh như nhảy Aerobic. Nếu nhảy hiện đại, hãy dạy trẻ những động tác phù hợp với lứa tuổi thay vì nhảy sexy, phản cảm và dùng hình ảnh đó để câu view.
“Với mỗi hoạt động, trẻ cần rút ra được bài học, không phải hoạt động xong là bỏ đó, hoặc hoạt động cho có, chỉ nhằm mục đích quay video", ông Nam nói và nhận định khi mạng xã hội đầy rẫy nội dung độc hại như hiện nay, việc trang bị kỹ năng an toàn trên không gian mạng trẻ là càng sớm càng tốt.
Không những thế, chính người lớn cũng phải thay đổi, nâng cao năng lực số cho bản thân, ý thức được lợi ích nhưng cũng phải nắm bắt được nguy cơ có thể xảy ra với con trên mạng. Đặt ra những quy định rõ ràng với con về độ tuổi, thời gian con trẻ sử dụng mạng xã hội.
Đồng quan điểm, cô Trang cho rằng thay vì cho con xem và học theo điệu nhảy trên TikTok, phụ huynh nên dành thời gian cho con tìm hiểu về các nhạc cụ dân tộc, cho con học múa Bale, Yoga Kid… Thay vì học theo lời bài hát xu hướng, cha mẹ hãy cho con nghe, học những bài hát phù hợp với lứa tuổi, hướng trẻ được sống và lớn lên một cách lành mạnh.
“Nếu cho trẻ học TikTok Dance, người dạy cần đảm bảo phải am hiểu về âm nhạc, vũ điệu và sử dụng trang phục phù hợp cho trẻ”, cô Trang nhấn mạnh.
Ngoài ra, để không ảnh hưởng đến chất lượng giờ học, cô Trang cho rằng các nhà trường nên đặt ra quy định về việc sử dụng điện thoại trong giờ làm việc, đồng thời cấm sử dụng hình ảnh liên quan đến nhà trường, học sinh để đăng tải lên mạng xã hội nhằm mục đích cá nhân.
“Nếu muốn đăng tải, mọi nội dung cần được nhà trường kiểm tra và đồng thuận trước khi sử dụng. Nếu có hình ảnh học sinh, cần nhận được sự đồng ý của trẻ và cha mẹ các em", cô Trang nói.