Nguyên nhân tình trạng táo bón và cách điều trị

Phạm Hoa | 03/11/2023, 16:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Táo bón là tình trạng thường gặp ở nhiều lứa tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn cho đến người già. Tình trạng táo bón kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc

Nguyên nhân gây táo bón

Người cao tuổi, người ít vận động, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nằm nhiều, ít vận động như liệt do tai biến mạch máu não, gẫy cổ xương đùi... là những đối tượng thường có nguy cơ cao mắc chứng táo bón.

Ở phụ nữ có thai, nội tiết tố progesterone của thời kỳ mang thai làm chùng giãn các cơ ruột khiến cho các nhu động ruột giảm đi và gây ra chứng táo bón trong quá trình mang thai.

Sau khi đẻ, việc khâu vết rách tầng sinh môn ở phụ nữ cũng có thể gây táo bón cho chị em do phản xạ sợ đau và ít nhiều việc phẫu thuật cũng ảnh hưởng đến thần kinh chi phối vùng hậu môn, trực tràng. Vết rách cũng có thể gây đứt, rách cơ vòng hậu môn gây táo bón.

Người già ít vận động (do tuổi tác, do thói quen nghề nghiệp phải ngồi lâu một chỗ) sẽ làm phân tồn trữ lâu ở trực tràng, lâu ngày dẫn đến táo bón. Táo bón lâu ngày sẽ gây bệnh trĩ do phồng các tĩnh mạch vùng hậu môn. Cơ vòng hậu môn ở người già không còn chặt như hồi trẻ.

tre-bi-tao-bon.png
                  Táo bón là tình trạng thường gặp ở nhiều lứa tuổi từ trẻ nhỏ, người lớn cho đến người già

Ngoài ra, một số thuốc như các thuốc chống acid, trong thành phần có sắt và hợp chất sắt, các thuốc có chứa thuốc phiện (opi) cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón.

Táo bón có thể gây hậu quả nguy hiểm cho nhiều người, nhất là những người mắc các bệnh nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, trĩ...

Người mắc bệnh tăng huyết áp có thể bị tai biến mạch não khi đi cầu do áp lực thành bụng tăng vọt khi rặn làm cho huyết áp trên não tăng đột biến, gây vỡ mạch, đứt mạch máu não.

Táo bón còn gây ra việc tăng hấp thu các chất cặn bã tại trực tràng, có thể làm tăng nặng các bệnh lý khác như gây đau đầu, sốt cao, cáu gắt...

Dự phòng điều trị táo bón

Mọi người nên tập thói quen đi đại tiện hàng ngày vào giờ nhất định. Buổi sáng sớm uống một cốc nước ấm để tạo phản xạ kích thích có điều kiện. Không được nhịn đi đại tiện khi có nhu cầu.

Tập thể dục đều đặn, tăng cường vận động thể lực bằng nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện của bản thân như khiêu vũ, đi bộ, đánh bóng bàn, tennis...

bo-sung-chat-xo-.png
                                       Người bị táo bón cần bổ sung thực phẩm giàu chất xơ

Các thuốc giảm ho, giảm đau có chứa opi như Terpin co- dein, Efferalgan codein, Opizoic... cần được sử dụng theo đúng chỉ dẫn của thầy thuốc, nên dùng ngắn ngày, trường hợp cần thiết nên phối hợp các thuốc nhuận tràng... Các thuốc bổ có chất sắt đã được bác sĩ kê đơn uống vào sau bữa ăn no và uống với nhiều nước.

Cần đi khám bác sĩ nếu chứng táo bón kéo dài. Tránh dùng thuốc nhuận tràng (thuốc xổ) một cách tùy tiện. Phụ nữ có thai, người cao tuổi dùng thuốc tẩy, xổ tùy tiện có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Ăn nhiều rau và trái cây có nhiều chất xơ giúp cho quá trình tiêu hóa và đào thải các chất cặn bã dễ dàng hơn. Không ăn quá nhiều hoa quả chua vì cũng có thể gây táo bón.

Không ăn nhiều đồ ăn cay nóng như ớt, hạt tiêu. Không ăn mặn. Nên ăn bánh làm từ ngũ cốc và các loại hạt. Uống nhiều nước.

Chú ý việc dùng các loại thuốc thụt, tẩy chỉ là biện pháp cuối cùng và phải có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Vì các loại thuốc này nếu dùng thường xuyên sẽ làm cho ruột mất dần những phản xạ co bóp tự nhiên để đẩy phân ra ngoài, làm cho cơ thể mất cân bằng về lượng các hợp chất có kim loại trong cơ thể.

Hàng ngày nên dùng hai bàn tay xoa xát quanh bụng thuận chiều kim đồng hồ (từ phải qua trái, từ trên xuống dưới). Nên tập thở bụng để tạo điều kiện xoa bóp khoang bụng.

Thuốc Nam cũng có thể phòng và điều trị được chứng bệnh này, kết hợp với việc thay đổi hành vi nếp sống, xoa bóp bấm huyệt...

Một số món ăn bài thuốc trị táo bón hiệu quả

Khoai lang nửa củ, nấm hương 3 cái, rau thơm 20 cây, dầu lạc vừa đủ. Khoai lang xắt thành miếng vuông; nấm hương cắt thành sợi; rau thơm. Tất cả xào với dầu lạc. Bài thuốc này phải dùng trước khi ăn sáng, dùng liên tiếp trong 5 ngày.

Khoai lang nửa củ, xay sinh tố, thêm nước vào để uống.

Chuối tiêu 2 quả, bột cam thảo vừa đủ. Chuối bóc vỏ, thoa lên một chút bột cam thảo. Ăn vào buổi chiều (khoảng 4 giờ), ăn liên tục trong 5 ngày.

Khế 3 quả, nho khô 30 quả, cam thảo 30 lát. Cho tất cả vào nồi ăn với 3 bát nước, sắc lên còn độ một bát, cho thêm một chút đường. Uống bát nước vào khoảng 10 giờ tối, uống liên tục trong 5 ngày.

Bài liên quan
Xoài xanh điều trị chứng khó tiêu, táo bón
(GDTĐ) - Xoài xanh với vị chua ngọt không chỉ là món ăn vặt khoái khẩu của nhiều bạn trẻ mà trong Đông y loại trái cây này còn có rất nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyên nhân tình trạng táo bón và cách điều trị