Nhà khoa học đề xuất thay đổi quy định về khẩu trang

Hoài Thanh | 02/09/2021, 16:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cùng với tăng tốc viêm vaccine, việc đẩy nhanh sản xuất các loại khẩu trang diệt virus sẽ giúp sống chung với dịch bệnh mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế.

Hưởng ứng lời kêu họi hiến kế chống Covid-19 của Bộ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Phạm Văn Nho, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và TS Phạm Thanh Vân, nghiên cứu truyền nhiễm ở Cộng hòa Liên bang Đức đề xuất thay đổi quy định về khẩu trang.

Theo đó, biến thể Delta của SARS-CoV-2 đang lây lan với tốc độ khủng khiếp trên toàn thế giới. Diễn biến dịch bệnh trong nước vẫn còn phức tạp. Thực tế này đặt ra câu hỏi về tác dụng chống virus của các công cụ bảo vệ cá nhân, trong đó có khẩu trang.

Theo quy định của Bộ Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh và các khu cách ly tập trung sử dụng khẩu trang y tế. Các nơi khác sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn. Khẩu trang y tế được làm theo tiêu chuẩn TCVN 8389-1:2010, TCVN 8389-2:2010 và khẩu trang vải kháng khuẩn theo QĐ 870 QĐ-BYT. Các tiêu chuẩn này quy định vải làm khẩu trang, tấm vi lọc phải có đặc tính “chống giọt bắn, chống thấm nước và thoáng khí”, vì cho rằng virus lây lan qua các giọt dịch bắn ra từ người bệnh. Nhưng hiện chúng ta đã có bằng chứng virus lây truyền qua không khí và có thể tồn tại nhiều giờ ngoài môi trường thì khấu trang chống giọt bắn, chống thấm nước không còn phù hợp nữa. Trong khi biện pháp giãn cách xã hội không thể kéo dài mãi.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, khi người bệnh khạc nhổ, ho, nói và hô hấp, không chỉ có giọt bắn mà một lượng rất lớn các hạt bụi nước nhỏ và siêu nhỏ, kích thước dưới 5 micromet mang theo virus được phát tán vào môi trường. Các hạt này lơ lửng trong không khí ở dạng khí dung và đi theo luồng khí được cơ thể hít vào. Khẩu trang là một bộ lọc khí, thông thường hoạt động theo 2 cơ chế. Các vật thể lớn như giọt bắn bị ngăn lại theo cơ chế lọc cơ học. Các vật thể nhỏ hơn như hạt khí dung chỉ bị giữ lại bởi cơ chế hấp thụ. Tuy nhiên khi vật liệu khẩu trang là kỵ nước thì các hạt bụi nước này không bị hấp thụ mà bị đẩy xuyên qua khẩu trang một cách dễ dàng để đi vào đường hô hấp.

Đeo khẩu trang tạo ra một lực cản hô hấp. Theo phản xạ tự nhiên cơ thể sẽ phải hít thở mạnh hơn. Nếu khẩu trang không lọc được virus thì luồng khí chứa virus sẽ vào sâu hơn trong phổi người lành và ngược lại bắn xa hơn khi người bệnh phát tán và nồng độ virus trong môi trường tăng lên liên tục. Các yếu tố này làm gia tăng khả năng lây nhiễm cộng đồng khi đeo các loại khẩu trang không có tác dụng diệt virus.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, thị trường khẩu trang hiện đang nhiễu loạn về chất lượng, chưa được kiểm soát chặt chẽ. Khẩu trang là vũ khí chống lại virus, nhưng lại do người dân tự chọn mua, dẫn đến khó ngăn dịch lây lan trong cộng đồng.

Để xuất của hai nhà khoa học khẳng định xu hướng tất yếu của khoa học là chế tạo khẩu trang có cơ chế diệt virus. Khẩu trang này vừa diệt virus, không cho xâm nhập vào đường hô hấp người lành vừa diệt virus phát tán ra từ người bệnh, làm giảm nồng độ virus trong không khí. Đây là biện pháp an toàn, chủ động và đỡ tốn kém, giúp sống chung với dịch bệnh. Tuy nhiên để chế tạo được khẩu trang diệt virus đòi hỏi sự kết hợp đa ngành. Các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đang nỗ lực nghiên cứu và cũng đã thu được những kết qủa khích lệ. Trong đó có Việt nam với việc ứng dụng thành quả mới của công nghệ nano đặc biệt là công nghệ nano TiO2 và công nghệ nano bạc tinh khiết cấp độ dược phẩm kháng virus.

Khi đã có bằng chứng người tiêm vaccine đầy đủ vẫn bị nhiễm bệnh và vẫn phát tán virus lây cho người khác như chưa tiêm thì việc nghiên cứu thay thế khẩu trang chống giọt bắn, chống thấm nước bằng khẩu trang và các công cụ y tế khác ngăn chặn được virus trở thành vấn đề mang ý nghĩa cấp bách và đặc biệt quan trọng.

Bài liên quan
Hưng Yên: Thí sinh phải sử dụng khẩu trang do nhà trường phát
Để tránh gian lận thi cử cũng như đảm bảo công tác phòng dịch Covid-19, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT ở Hưng Yên sẽ được phát khẩu trang mới miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhà khoa học đề xuất thay đổi quy định về khẩu trang