Đứng ngoài quan sát cuộc thảo luận, cô giáo Mai Araya nhận xét giá trị của các mặt hàng, dịch vụ là đắt hay rẻ tuỳ thuộc vào quan điểm của mỗi người và độ tuổi. Cô giáo yêu cầu học sinh tiếp tục thảo luận khi lật hai thẻ bài tiếp theo.
Cô Araya cho biết: “Hầu hết học sinh sử dụng thẻ tàu điện ngầm khi di chuyển hoặc mua sắm qua hình thức thanh toán điện tử, quẹt thẻ. Các em có rất ít cơ hội sử dụng tiền mặt nên không hiểu rõ về giá trị của tiền. Qua trò chơi thẻ bài, tôi hy vọng học sinh sẽ hiểu về giá trị các mặt hàng và cách chi tiêu sao cho hợp lý”.
Trò chơi thẻ bài nằm trong chương trình giáo dục tài chính do Công ty Chứng khoán Mitsubishi UFJMorgan Stanley, trụ sở Tokyo, phát triển cho các trường tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành nhận thức về giá trị của hàng hóa và dịch vụ đối với bản thân thông qua dòng tiền.
Chương trình được đưa vào hoạt động từ tháng 4/2022 tại các trường tiểu học công lập, tư thục ở 6 địa phương tại Nhật Bản.
Còn Kid’s Money School, tổ chức giáo dục tài chính dành cho trẻ em từ 4 - 10 tuổi tại thành phố Oita, đã chứng kiến sự gia tăng mạnh đề nghị hợp tác giáo dục với các trường học và chính quyền địa phương từ năm 2021.
Dựng một cửa hàng giả trong trường học, Kid’s Money School khuyến khích phụ huynh và học sinh đến trải nghiệm hoạt động mua bán. Những đứa trẻ rất bất ngờ khi phải cầm một tập tiền để mua những món đồ yêu thích thay vì quẹt thẻ.
Bà Kyoko Uemura, Giáo sư Kinh tế gia đình tại Trường Đại học Tokyo Kasei Gakuin, cho biết: “Trước đây, giáo dục tài chính nhằm dạy trẻ em gái cách quản lý chi tiêu gia đình và trẻ em nam về kinh tế tài chính. Nhưng giáo dục hiện nay hướng tới quản lý chi phí sinh hoạt cá nhân bất kể giới tính. Người lớn không nên ngại nói về tiền bạc trong cuộc trò chuyện hàng ngày với con cái”.