(GDTĐ) - Số lượng đàn ông Nhật Bản xin nghỉ phép để chăm con mới sinh đã đạt đến 30,1% trong năm 2023.
Theo khảo sát do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thực hiện vào năm ngoái, cho thấy có đến 30,1% số ông bố đang đi làm ở Nhật Bản đã nghỉ phép để dành thời gian chăm sóc con mới sinh.
Mức tăng này tăng khoảng 13% so với năm 2022, tiếp tục đóng góp vào xu hướng tăng liên tiếp trong vòng 11 năm tại xứ Phù Tang.
Kể từ tháng 4/2022, các công ty Nhật Bản có trách nhiệm thống kê việc nhân viên mang thai hoặc sinh con vào hệ thống nghỉ phép và xác nhận nhu cầu sử dụng hệ thống của mỗi cá nhân.
Số liệu từ hệ thống cho thấy, việc xin nghỉ phép để chăm con đã và đang trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết.
Kết quả khảo sát được đánh giá dựa trên tỷ lệ nhân viên nam đã nghỉ phép hoặc đã nộp đơn xin nghỉ phép trông trẻ tính đến ngày 1/10/2023, bao gồm những nhân viên đã trở thành bố trong khoảng thời gian từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022.
Theo thống kê, trong các ông bố đã xin nghỉ phép cho thấy: 15,7% nghỉ dưới 5 ngày, 22 % nghỉ từ 5 ngày đến 2 tuần, 20,4% nghỉ từ 2 tuần đến một tháng và 28 % nghỉ từ 1-3 tháng, đồng nghĩa tổng cộng 86,1% đã nghỉ làm dưới 3 tháng để chăm con.
Trong khi đó, có đến 84,1% người mẹ đã sử dụng chế độ nghỉ làm, với 92,5% trong số họ đã nghỉ trong 6 tháng hoặc lâu hơn.
Những kết quả này cho thấy, vẫn còn một khoảng cách nhất định giữa hai giới về việc việc sử dụng chế độ nghỉ phép chăm sóc trẻ em tại Nhật Bản.
Hiện chính phủ Nhật Bản đang đặt mục tiêu gia tăng tỷ lệ nam giới nghỉ chăm con đạt 50% trong năm 2025.
Đây là một biện pháp nhằm khuyến khích người dân nghỉ làm chăm con.
Đồng thời các yêu cầu nhất định về công việc thu thập số liệu nghỉ phép đối với các công ty cũng sẽ được đưa vào thực hiện từ tháng 4/2025.