Tình hình khó khăn trong tìm kiếm nguồn lao động cũng diễn ra ở nhiều đơn vị trung gian. Anh Nguyễn Văn Chiến, chuyên viên tuyển dụng tại một công ty trên địa bàn tỉnh Bắc Giang cho biết: Để gom đủ số lao động cho một nhà máy phải rất vất vả. Công ty phải tăng kinh phí quảng cáo gấp 3 lần so với trước đây để phủ các khu vực tiềm năng. Đồng thời, kết nối với đầu mối ở các tỉnh để chuẩn bị giấy tờ, thủ tục cho người lao động di chuyển, nhưng việc này rất khó khăn.
Ông Bùi Hoàng Mai, Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trước nhu cầu nguồn lao động tăng cao tại các KCN, Tỉnh đã nỗ lực cùng các nhà máy nhằm tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đủ nguồn nhân lực hoạt động. Đối với doanh nghiệp mới, yêu cầu số lượng công nhân lên đến hàng chục nghìn người thì UBND tỉnh đã giao cho sở Lao động Thương binh và Xã hội đăng tải số liệu của các doanh nghiệp như thông tin tuyển dụng ra sao? Trình độ thế nào? Độ tuổi thế nào?... để lao động dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thông tin.
Đợi vãn dịch mới đi làm
Chị Nguyễn Thị Trang cho biết: Lượng contact khách hàng về trong mỗi chiến dịch quảng cáo vẫn đạt yêu cầu. Nhưng xe khách chưa được hoạt động trở lại ở một số tỉnh khiến cho việc di chuyển khó khăn. Nếu lao động muốn thuê xe con đi liên tỉnh phải có đầy đủ giấy tờ như xét nghiệm PCR, tiêm đủ 2 mũi vaccine, giấy cho phép đi lại từ cơ quan chức năng... Vì vậy, nhiều người chọn phương án an toàn là đợi vãn dịch mới đi làm.
Anh Nguyễn Văn Chuyền, ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá cho biết: Anh có ý định ra Bắc Giang hoặc Hải Dương tìm việc làm. Nhưng anh chưa tiêm đủ 2 liều vaccine và thông tin về các loại giấy tờ đi đường phức tạp nên anh lại ở nhà, đợi vãn dịch, đi lại giữa các tỉnh thoải mái hơn mới đi tìm việc làm.
Cũng giống như anh Chuyền, nhiều lao động miền Trung đã thay đổi kế hoạch, thay vì đến các khu công nghiệp ở Bắc Giang, Bắc Ninh với mức lương cao thì họ chọn cách xin vào các nhà máy quy mô nhỏ tại địa phương với mức lương thấp hơn, nhưng vẫn có thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống hàng ngày.