Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), khi xây dựng Chương trình GDPT 2018 với lớp 1, các tác giả đã phải nghiên cứu rất kỹ chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi để làm sao có sự liên thông, kết nối giữa hai chương trình. Mục tiêu giúp trẻ kết thúc chương trình học ở mầm non dễ dàng tiếp cận với chương trình lớp 1 mà không phải trải qua bất cứ một khóa học chuyển tiếp nào.
Về mặt chương trình, các bậc phụ huynh có thể yên tâm vì chương trình giáo dục phổ thông mới thiết kế theo hướng bắt buộc học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học (chương trình 2006 quy định học 1 buổi/ngày). Do vậy, giáo viên tiểu học có nhiều thời gian hơn giúp cho học sinh củng cố để đáp ứng yêu cầu cần đạt khi hoàn thành chương trình lớp 1, đó là đọc thông, viết thạo, giúp HS có nền tảng vững chắc khi học lên lớp trên.
TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh tư liệu: Đình Tuệ. |
Hơn nữa, trong các môn học của chương trình lớp 1 có bổ sung hoạt động trải nghiệm, giúp các em có cơ hội rèn luyện và thực hành môn Tiếng Việt để phát triển năng lực ngôn ngữ. Đặc biệt, chương trình mới có điều chỉnh với môn Tiếng Việt, tăng từ 350 tiết/năm lên 420 tiết/năm, giảm bớt thời lượng một số môn cho môn Tiếng Việt để giúp học sinh đọc thông, viết thạo trước khi lên lớp trên.
"Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên không được có biểu hiện so sánh giữa các học sinh, chê trách học sinh trong bất kỳ hoàn cảnh hay động cơ nào. Các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc việc tuyển sinh đầu cấp theo quy định; tuyệt đối không tổ chức thi tuyển vào lớp 1. Vì những thay đổi đó, rất mong các phụ huynh yên tâm, không nóng vội cho con học trước lớp 1 dẫn tới phản tác dụng" - TS Thái Văn Tài nhấn mạnh.
Cô Cao Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội) cho hay, phụ huynh không nên cho con học chữ trước khi vào lớp 1. Ở mẫu giáo lớn, các con đã được học nhận biết bảng chữ cái, nhận biết các số từ 0 - 9, nên phụ huynh không cần phải cho con học lớp tiền tiểu học mà để khi vào lớp 1 các cô giáo sẽ là người hướng dẫn và giúp các con. Nếu trẻ học chữ trước khi vào lớp 1 thì khi vào năm học, trẻ dễ hình thành tâm lý nhàm chán và không chú ý nghe cô giáo giảng bài.
Khi vào lớp 1, trẻ sẽ phải làm quen với sự thay đổi từ môi trường chủ yếu chơi ở mầm non sang môi trường tiểu học. |
Ghi nhận ở một số trường Tiểu học ở Hà Nội, nhiều phụ huynh bày tỏ lo lắng rằng, nếu không cho con đi học thêm về chữ và số trước khi vào lớp 1 sẽ dễ bị tụt lùi so với các bạn đi học. Nhất là ở các khu đông dân cư, tỷ lệ học sinh/lớp đông sẽ khiến giáo viên phải rất vất vả để có thể quan tâm sát sao 50 - 60 em trong buổi học.
"Theo quy định, ở cấp mầm non không dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1. Vậy nên trẻ không quen với việc phải học kiến thức hết tiết nọ đến tiết kia khi vào lớp 1. Việc cho trẻ học trước sẽ giúp các em làm quen với việc học, biết được một số kiến thức giản đơn để không bị áp lực khi chuyển cấp. Nếu trẻ tiếp thu nhanh thì không nói, nhưng với trẻ tiếp thu chậm thì sẽ rất vất vả để theo kịp các bạn" - chị Nguyễn Thị Thắm ở quận Thanh Xuân nói.
Nhiều năm là giáo viên dạy lớp 1 ở một huyện ngoại thành Hà Nội, cô Hoàng Linh cho hay, chương trình mang tính chất giảm tải nhưng thực tế chỉ giảm thời gian cung cấp lượng kiến thức so với chương trình cũ. Giảm thời gian thì lượng kiến thức ở mỗi bài phải tăng lên. Trước đây mỗi bài học các em thường chỉ học 2 âm hoặc 2 vần. Chương trình hiện nay có nhiều bài học 4 âm hoặc 4 vần trong 1 bài.
Khi con vào lớp 1 sẽ cần phải chuẩn bị thật tốt về tâm thái cũng như những kỹ năng cơ bản. |
Với những em nhanh nhẹn việc nắm bắt kiến thức sẽ không quá khó, nhưng trẻ nông thôn ít được bố mẹ quan tâm dạy bảo, mọi thứ đều rất mới mẻ mà lại phải tiếp thu một lượng kiến thức mới một cách liên tục thì quả là không dễ. Chữ cái các con còn chưa kịp nhớ lại phải tập ghép vần. Mọi kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và các kiến thức ở các môn học khác đều phải học cùng 1 lúc nên sẽ rất vất vả cho cả cô và trò.
"Bản thân tôi quan điểm như vậy không phải để cổ vũ cho việc học trước chương trình, mà là muốn các con có tiền đề nhất định để bước vào môi trường mới không còn rụt rè hay bỡ ngỡ", cô Linh khẳng định thêm.
Kinh nghiệm sau hơn 20 năm dạy trẻ tiểu học, cô Nguyễn Thị Thúy - giáo viên một quận nội thành Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT quy định không cho phép giáo viên dạy trước chương trình trước khi trẻ vào lớp 1 là không sai. Tuy nhiên, nếu là dạy trước cho các em biết một số kĩ năng cơ bản như cách cầm bút, nhận biết các chữ số trong phạm vi 10 thì cũng phù hợp. Điều này giúp trẻ làm quen ở mức độ nhận biết các kiến thức đơn giản là hợp lý.
Cô Giang Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, chương trình mới có mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Trước khi vào lớp 1, trẻ cần hoàn thành tốt chương trình 5 tuổi, trong đó trẻ đã được làm quen với bảng chữ cái và chữ số. Trẻ sẽ được các cô mầm non tập cho tư thế ngồi, tập thói quen ngồi tập trung trong một khoảng thời gian nhất định để sẵn sàng tâm thế vào lớp 1.