Ngày 27/9, Hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) đã phải viết thư gửi phụ huynh học sinh, đồng thời xin lỗi và xin dừng một số khoản thu đầu năm học. Trong thư có nêu, với các khoản thu đầu năm học, nhà trường thống kê vào một phiếu để cha mẹ học sinh dễ theo dõi nhưng không bắt buộc phải hoàn tất một lần. Phụ huynh có thể đóng theo tháng, quý, học kỳ tùy vào khả năng của mình. Với các khoản tài trợ giáo dục cho nhà trường cũng quyên góp trên tinh thần tự nguyện, tùy tâm. Và xin dừng việc quyên góp cho năm học này tại đây.
Ảnh minh họa Internet. |
Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2022 - 2023, quy định các khoản thu đầu năm học. Văn bản nêu rõ, Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, không được thu 7 khoản gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Văn bản cũng nêu rõ, việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong cơ sở giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk có hướng dẫn chi tiết các khoản thu trong năm học; trong đó yêu cầu giáo viên không được thu tiền học sinh. Đây là cơ sở để cơ quan quản lý làm căn cứ xem xét, xử lý kỷ luật, đề nghị xử lý kỷ luật hiệu trưởng trường học khi xảy ra sai phạm. Các khoản thu phải dựa trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi và được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất của lãnh đạo cơ sở giáo dục.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo – nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục, lâu nay, một số khoản thu của các cơ sở giáo dục vẫn núp bóng tự nguyện. Vì thế, nhiều trường yêu cầu phụ huynh ký vào cam kết tự nguyện nộp phí để hợp thức hóa khoản thu nằm ngoài danh mục quy định. Dù nhiều người bức xúc nhưng cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng, việc huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cho giáo dục là cần thiết và chính đáng, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế. Tuy nhiên, chủ trương thì tốt nhưng nhiều trường chưa hiểu đúng, làm đúng, thậm chí còn lạm dụng xã hội hóa trong giáo dục. Vì vậy, cần kiên quyết xử lý, thậm chí xử lý hình sự (nếu cần) để răn đe. Bên cạnh đó, phụ huynh cần đồng lòng, mạnh dạn phản ánh những hành vi sai phạm nếu phát hiện nhà trường lạm thu. Đồng thời, yêu cầu nhà trường công khai các khoản thu, đóng góp tự nguyện sẽ được chi vào việc gì.
Bộ GD&ĐT có Công văn số 2153/BGDĐT-KHTC gửi bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành về thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo năm học 2022 - 2023. Trong đó, nhấn mạnh: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học. Bộ cũng lưu ý việc thực hiện vận động, sử dụng các khoản tài trợ, viện trợ theo đúng quy định. Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra khoản thu ở cơ sở giáo dục đảm bảo đúng quy định pháp luật.