Về kỷ luật học đường, thay vì biện pháp trừng phạt, nhiều nước dần chuyển sang tập trung vào sửa chữa tổn thương, khôi phục các mối quan hệ.
PGS.TS.Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội chia sẻ các mô hình lý thuyết giáo dục liên quan đến kỷ luật học đường, những mô hình kỷ luật đang được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới.
PGS.TS.Trần Thành Nam cho biết: Trước đây, các trường học ở Hoa Kỳ thường áp dụng chính sách zero-tolerance, yêu cầu các hình phạt nghiêm khắc cho các vi phạm cụ thể, thường cân nhắc đến việc đình chỉ hoặc đuổi học.
Chính sách này thời gian qua bị chỉ trích vì ảnh hưởng không công bằng đến học sinh yếu thế hơn (ví dụ người da màu, người ở khu vực kinh tế xã hội thấp) và góp phần tạo ra một con đường từ nhà trường đến nhà tù do cách ly những cá nhân đó ra khỏi môi trường giáo dục.
Việc đuổi học không chỉ trừng phạt học sinh mà cả cha mẹ. Bản thân học sinh sẽ càng ứng xử sai nếu không có sự giám sát từ người lớn.
Những năm gần đây, ở Hoa kỳ đã có sự chuyển hướng từ các phương pháp kỷ luật trừng phạt khắc nghiệt sang các phương pháp công lý hòa giải và dự phòng, tập trung vào việc sửa chữa tổn thương và khôi phục các mối quan hệ thay vì các biện pháp trừng phạt.
Trường học ở các thành phố như Oakland đã tiên phong áp dụng và báo cáo những kết quả tích cực, bao gồm giảm số lượng đình chỉ và cải thiện môi trường học đường.
Vì học sinh có hành vi sai không phải chỉ do học sinh mà là bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có thái độ của giáo viên, áp lực học tập, thiếu gắn kết giữa học sinh và nhà trường; quan điểm của giáo viên và phụ huynh mâu thuẫn nhau. Để giải quyết không thể chỉ trừng phạt học sinh mà phải sửa chữa các mối quan hệ.
Tại Úc, theo PGS Trần Thành Nam, các trường học đã áp dụng và triển khai chương trình Hỗ trợ hành vi tích cực (PBIS), tập trung vào việc dạy và củng cố các hành vi tích cực như một cách để giảm thiểu hành vi tiêu cực. Họ cũng giảm thiểu các hình thức kỷ luật nặng như đình chỉ học tập.
Để thay thế cho việc phải kỷ luật hành vi không mong muốn, các trường học ở Úc cũng thực hiện các tổ hòa giải, xây dựng quy trình và các biện pháp hòa giải để giúp học sinh giải quyết các xung đột và hành vi sai trái, tạo ra một môi trường hỗ trợ và bao dung hơn trong nhà trường.
Tại Vương Quốc Anh: Thay thế cho việc áp dụng các chính sách kỷ luật, Chính phủ Anh đã giới thiệu chương trình Behavior Hubs, trong đó các trường có thực tiễn hành vi mẫu mực sẽ hướng dẫn các trường khác cải thiện chiến lược kỷ luật của mình.
Chương trình này nhằm tạo ra một phương pháp nhất quán và hỗ trợ trong việc quản lý hành vi học sinh trên toàn quốc. Nó bao gồm các chương trình huấn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý cảm xúc tức giận và các quy trình làm việc công ích thay thế.
Mặc dầu trong quy định vẫn còn chính sách đình chỉ học tập tuy nhiên vẫn đang có cuộc tranh luận đang diễn ra về việc sử dụng các biện pháp đuổi học ở các trường học tại Anh. Các nhà phê bình cho rằng việc đuổi học có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập và cơ hội tương lai của học sinh. Các nhà giáo dục đang đề xuất việc đình chỉ tại trường chứ không phải đình chỉ học tập ngoài trường.