Theo bác sĩ Thành, nếu chị H. đi khám lúc kinh nguyệt còn đều, bác sĩ sẽ tư vấn cho chị nên sinh sản sớm hơn. Thời điểm chị tới khám, kinh nguyệt của chị vẫn còn nhưng rất thưa thớt, trứng vẫn còn nhưng rất ít.
"Chúng tôi đã cho bệnh nhân dùng thuốc kích trứng, động viên bệnh nhân bơm IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung). Bệnh nhân theo dõi suốt nhiều tháng. Sau khoảng ba chu kỳ kinh, bệnh nhân đã có thai tự nhiên. Chúng tôi cố gắng dùng thuốc và bơm IUI - đó là cách tốt nhất cho bệnh nhân.
Đây là bệnh nhân may mắn vì đến khám khi chưa bị mãn kinh hoàn toàn nên bác sĩ mới có thể can thiệp cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân này để thêm 1-2 năm nữa mới đi khám sẽ mãn kinh, không thể sinh sản và nguy cơ lão hóa nhanh", bác sĩ Thành nói.
Phát hiện suy buồng trứng sớm
Theo bác sĩ Phạm Thúy Nga - trưởng khoa hỗ trợ sinh sản và nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội - dấu hiệu đầu tiên của suy buồng trứng thường là rối loạn kinh nguyệt, trễ kinh, có thể tồn tại trong nhiều năm hoặc phát triển sau khi mang thai hay sau khi ngừng thuốc tránh thai.
Bên cạnh đó, có thể khó mang thai, nóng ran hay còn gọi là bốc hỏa, khô âm đạo, khó chịu hoặc mất tập trung, giảm ham muốn tình dục.
"Có nhiều nguyên nhân gây suy buồng trứng, có thể có liên quan đến các bệnh về nhiễm sắc thể, di truyền hoặc là các bệnh lý tự miễn... Tuy nhiên, nguyên nhân chính là suy giảm hormone estrogen do rối loạn kinh nguyệt kéo dài; cắt bỏ một bên buồng trứng hay vòi trứng trong điều trị bệnh", bác sĩ Nga cho hay.
Theo các chuyên gia, hiện không có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có thể khôi phục chức năng bình thường cho buồng trứng của phụ nữ. Tuy nhiên, suy buồng trứng không phải là bệnh có diễn biến trong thời gian ngắn mà diễn ra trong thời gian dài.
"Ngay khi có những biểu hiện rối loạn kinh nguyệt, kỳ kinh thưa, ít, giảm dần… nữ giới cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra càng sớm càng tốt. Bởi rối loạn kinh nguyệt là một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất.
Trong trường hợp được xác định là suy buồng trứng sớm, bác sĩ sẽ tư vấn để giữ lại nang trứng cho người bệnh. Đồng thời, có những biện pháp can thiệp để hỗ trợ sinh sản cho người bệnh", bác sĩ Nga khuyến cáo.
Khám sức khỏe sinh sản khi kết hôn
Các chuyên gia cũng khuyến cáo các cặp đôi sau khi kết hôn, nếu trì hoãn việc sinh con vì bất cứ lý do nào đó cũng nên đi khám sức khỏe sinh sản trước.
Các bác sĩ hỗ trợ sinh sản sẽ tư vấn cho các cặp đôi. Đối với các trường hợp có nguy cơ suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm thì bắt buộc phải điều trị nội tiết tố thay thế để không bị lão hóa sớm.