Nhiều thí sinh sốc vì điểm chuẩn tăng quá cao

PV | 17/09/2021, 07:21
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều thí sinh dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ tăng, nhưng không nghĩ tăng cao đến thế. Đó là lý do khiến nhiều em chọn trường trong ngưỡng an toàn mà vẫn trượt đại học.

Thí sinh ngỡ ngàng

Trên mạng xã hội Facebook, trong các hội nhóm và diễn đàn học tập, nhiều thí sinh và các thầy cô giáo đã có những nhận định và dự báo về mức điểm chuẩn năm nay. Mặt bằng chung, tất cả đều dự đoán rằng điểm chuẩn chắc chắn sẽ tăng một cách chóng mặt. Tuy vậy, các bạn thí sinh vẫn không khỏi ''ngơ ngác, ngỡ ngàng đến bật ngửa'' sau khi biết điểm chuẩn của một số trường đại học.

Bạn Nguyễn Hồng Anh, tân sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết: "Mặc dù đã trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ nhưng em cũng rất "sốc" khi biết điểm chuẩn năm nay của trường.Em không ngờ điểm chuẩn lại có thể tăng tới 2,5-3 điểm như vậy. Đồng ý là học sinh đông, đề thi năm nay cũng dễ hơn so với mọi năm và tỷ lệ chọi cao dẫn tới điểm chuẩn cũng cao hơn, do vậy mà sự cạnh tranh giữa các bạn thí sinh cũng trở nên khốc liệt hơn. Em thấy mình rất may mắn vì nếu không có chứng chỉ IELTS có lẽ em cũng không thể trở thành tân sinh viên NEU''.

Nhiều thí sinh cũng đồng quan điểm với Hồng Anh, tất cả đều cho rằng, nếu chần chừ không lựa chọn xét tuyển và nhập học ngay khi có kết quả trúng tuyển các phương thức xét tuyển khác thì có lẽ các bạn cũng sẽ "xa bờ" (ngôn ngữ trên mạng, có nghĩa là: trượt kỳ thi - PV).

Điểm chuẩn nhiều ngành tăng sốc

Sau khi kết thúc quá trình lọc ảo vào chiều ngày 15/9, tính đến 22h cùng ngày, các trường Đại học đã đồng loạt công bố điểm chuẩn. Nếu như năm ngoái, điểm chuẩn tăng đã khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng thì điểm chuẩn đại học năm nay còn khiến nhiều thí sinh gặp cú "sốc" tâm lý. Cụ thể, nhiều trường có mức điểm chuẩn tăng từ 2 tới 5 điểm so với năm ngoái, đặc biệt ở các trường top giữa và top dưới.

Điểm chuẩn đại học tăng cao: Nhiều thí sinh sốc, ngỡ ngàng - 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Điểm chuẩn tăng mạnh nhất phải kể tới ngành Marketing và ngành Luật của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội - tăng 9 điểm so với năm 2020. Nếu như năm ngoái ngành Luật trường này có điểm chuẩn là 15 thì năm nay tăng lên 24 điểm. Dù vậy nhưng điểm chuẩn giữa các ngành của Đại học Tài nguyên và Môi trường lại có mức chênh lệch khá lớn. Không ít ngành có điểm chuẩn chỉ ở mức 15 điểm - thấp nhất năm nay.

Ngành Hàn Quốc học (khối C00) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay tiếp tục lấy điểm chuẩn 30/30, là một trong những ngành học có điểm đầu vào rất cao.

Điểm chuẩn của nhóm ngành Máy tính và Công nghệ tiếp tục nằm trong top đầu, song chỉ tăng ở mức vừa phải, không có biến động nhiều so với các năm trước đó, bởi điểm chuẩn đã luôn ở mức rất cao những năm gần đây. Các trường đại học dẫn đầu về chất lượng đào tạo nhóm ngành này cũng chỉ có mức điểm dao động trong khoảng từ 27,1 - 28,4 điểm.

Với các trường đào tạo kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội tiếp tục là một trong những trường có điểm chuẩn "cao ngất ngưởng'' - không dưới 26,85 điểm. Trong đó, xếp theo thang điểm 30, ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có mức điểm cao nhất - 28,3 và thấp nhất là Quản lý chính sách - 26,85. Các ngành còn lại mức điểm dao động ở mức 27-28,25 điểm.

Tại Trường Đại học Ngoại thương, mức điểm chuẩn ở trụ sở Hà Nội và TP.HCM đều ở mức trên 28 điểm. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh với 28,55 điểm (khối A00).

Điểm chuẩn tăng là xu thế chung của năm nay

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) lý giải, chỉ tiêu tuyển sinh của ngành Hàn Quốc học rất thấp, trong tổng số 50 chỉ tiêu, đã có 15 thí sinh được xét tuyển thẳng theo chứng chỉ quốc tế, giải thưởng quốc gia… Như vậy, chỉ còn 35 chỉ tiêu cho xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.

Số lượng nguyện vọng cao với gần 1.800 chỉ tiêu đăng ký vào ngành Hàn Quốc học chia cho 35 chỉ tiêu nên tỉ lệ cạnh tranh cao. Hiện nay, theo quy định, các thí sinh được cộng điểm ưu tiên khu vực và đối tượng chính sách, nên xuất hiện điểm vượt qua ngưỡng 30/30. Trong thực tế, không có thí sinh nào đạt điểm thi tối đa 30/30 mà do được cộng điểm ưu tiên nên mới đạt hoặc vượt ngưỡng.

Nhận xét chung về điểm chuẩn vào các trường đại học năm nay, Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn cho rằng: Điểm trúng tuyển tăng ở hầu hết các ngành đào tạo. Điều này đã được dự báo ngay từ khi có kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông nên không quá bất ngờ. Phổ điểm năm nay có xu hướng tăng nhiều hơn ở các tổ hợp xét tuyển thuộc khối C và khối D. Đối với các ngành đào tạo của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, mức tăng trung bình khoảng 0,5 đến 1,5 điểm.

Cũng theo ông Hoàng Anh Tuấn, phổ điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021 tăng nhẹ, trong khi các trường đại học ngày càng gia tăng các hình thức xét tuyển, ví dụ như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng thông qua các chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng quốc tế và quốc gia, thi đánh giá năng lực… Vì vậy, điểm chuẩn tăng lên là điều có thể hiểu được. Bên cạnh đó, diễn biến dịch COVID-19 phức tạp khiến kế hoạch du học của nhiều thí sinh bị đình trệ, thí sinh chọn giải pháp học tập trong nước. Các em đều có ngoại ngữ tốt nên điểm thi vào các tổ hợp khối D cao.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, nguồn tuyển thí sinh điểm cao năm nay dồi dào hơn năm trước. Một số trường như ĐH Kinh tế quốc dân, Ngoại thương, Học viện Tài chính... đã tuyển nhiều sinh viên qua các phương thức xét tuyển khác nhau, số chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi THPT giảm nhiều do đó đẩy điểm chuẩn lên.

PGS.TS Bùi Đức Triệu, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, điểm chuẩn tăng có 2 lý do, điểm thi tốt nghiệp cao hơn năm trước, thí sinh tăng số nguyện vọng xét tuyển nhiều lên, tập trung vào các trường top, ngành hot.

Còn theo TS. Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo trường ĐH Thủy Lợi, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điểm chuẩn các trường tăng cao. Đó là, số lượng thí sinh năm nay đông hơn những năm trước; Tổng chỉ tiêu của toàn hệ thống đại học không tăng; Phổ điểm kỳ thi THPT năm 2021 cao hơn những năm trước.

Năm nay, số lượng thí sinh tham dự kì thi tốt nghiệp THPT đông kỉ lục trong các năm, đạt tới trên 1.000.000 thí sinh, phổ điểm thi ở các khối trong cả nước, tỉ lệ chọi giữa các trường đại học chính là những nguyên nhân tác động tới sự biến động của việc xét tuyển theo kết quả thi THPT.

Sau khi hoàn thành kì thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh cũng đã dự đoán điểm chuẩn năm nay sẽ có xu hướng tăng do ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau nhưng không lường được mức độ tăng "sốc".

Điểm chuẩn đại học tăng cao: Nhiều thí sinh sốc, ngỡ ngàng - 2

Các bạn thí sinh ''than trời'' sau khi biết điểm chuẩn (Ảnh: Facebook).

Điểm chuẩn đại học tăng cao: Nhiều thí sinh sốc, ngỡ ngàng - 3

Điểm thi nằm trong top nhưng vẫn trượt đại học. Nhiều thí sinh thể hiện sự thất vọng, nuối tiếc (Ảnh: Facebook).

Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, các trường sẽ tiếp tục công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 16/9. Sau khi biết chắc chắn đã trúng tuyển, các thí sinh sẽ làm thủ tục nhập học online qua website nhà trường bắt đầu từ ngày 17/9 đến trước 17h ngày 26/9.

Bài liên quan
Dự báo điểm chuẩn chi tiết từng ngành của  Bách Khoa Hà Nội
Ngày 22/8, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đưa ra dự báo khoảng điểm chuẩn xét tuyển vào các ngành, chương trình đào tạo đại học năm 2021 theo điểm thi tốt nghiệp THPT là từ 23 - 29 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhiều thí sinh sốc vì điểm chuẩn tăng quá cao