Tại Đại học Kinh tế TP.HCM, thời gian đăng ký xét tuyển bằng các chứng chỉ năng lực quốc tế là 15/3-31/5. Mỗi thí sinh có tối đa 2 nguyện vọng.
Đối với thí sinh có quốc tịch Việt Nam, thí sinh cần có một trong những bằng tú tài/chứng chỉ quốc tế sau: IB (26 điểm trở lên), A-level (đạt từ C-A), BTEC (đạt từ C-A). Với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài, các em cần có SAT mỗi phần 500 điểm trở lên hoặc ACT 20 điểm trở lên.
Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng 320 chỉ tiêu để xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ hoặc chứng chỉ năng lực quốc tế.
Theo đó, thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm SAT phải đạt 1100 điểm trở lên, ACT là 22 điểm trở lên. Với thí sinh có chứng chỉ A-level, trong đó bắt buộc có môn Toán hoặc Ngữ văn, các em cần đạt mức điểm mỗi môn thi từ 60 trở lên.
Trong năm 2023, Đại học Tôn Đức Thắng áp dụng phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy định của trường. Thí sinh tốt nghiệp THPT tại nước ngoài, thí sinh học chương trình quốc tế tại các trường quốc tế ở Việt Nam có thể đăng ký xét tuyển theo phương thức này với điều kiện là phải có chứng chỉ SAT, ACT, A-level hoặc IB.
Nhà trường yêu cầu thí sinh cần có điểm SAT từ 1440/2400 hoặc 960/1600, điểm ACT 21 trở lên, điểm IB từ 24 trở lên hoặc A-level điểm mỗi môn thi trong tổ hợp đạt từ C trở lên.
Các chứng chỉ này phải có giá trị sử dụng tính đến ngày 1/10/2023. Ngoài ra, thí sinh cần nộp thêm chứng nhận tốt nghiệp, công nhận văn bằng tương đương tốt nghiệp THPT của Việt Nam và có IELTS 5.0 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh tương đương. Nếu chưa đạt tiếng Anh đầu vào, thí sinh phải học thêm chương trình dự bị tiếng Anh.
Đại học Mở TP.HCM cũng dùng SAT để tuyển sinh. Nhà trường yêu cầu thí sinh cần có điểm SAT đạt từ 1100 trở lên. Ngoài ra, thí sinh có IB hoặc A-level cũng có thể đăng ký xét tuyển với điều kiện IB từ 26 điểm trở lên, còn 3 môn thi A-level mỗi môn đạt điểm C trở lên.