'Nhìn thẳng, nói thật' về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin

Hà Nguyên | 01/12/2022, 12:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo khảo sát của Viện Chiến lược Công nghệ thông tin, chỉ có khoảng 15% SV ngành Công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp.

Nhận diện điểm yếu

PGS.TS Lê Thành Bắc – Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định: “Thực tế hiện nay, nguồn nhân lực ngành Công nghệ thông tin (CNTT) đào tạo từ các trường đại học trong nước đều chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là kỹ sư chất lượng cao”.

Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho hay, nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển "nóng" của lĩnh vực chuyển số, đòi hỏi tức thời nguồn nhân lực CNTT lớn. Trong khi đó, việc tăng chỉ tiêu, quy mô đào tạo từ các trường đại học cần có thời gian chuẩn bị về đội ngũ, điều kiện cơ sở vật chất, thời gian đào tạo trình độ đại học tối thiếu 4 năm.

Các trường đại học không thể tăng mạnh chỉ tiêu tuyển sinh lĩnh vực CNTT để đáp ứng nhu cầu xã hội do phải tuân thủ theo các quy định của Bộ GD-ĐT trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để tăng chỉ tiêu tuyển sinh cần tăng đội ngũ giảng viên trong lĩnh vực CNTT. Tuy nhiên, các trường luôn gặp khó khăn trong tuyển dụng giảng viên cho các ngành thuộc lĩnh vực CNTT. Những người đủ trình độ, chuyên môn về CNTT, đủ điều kiện để tuyển dụng vào đội ngũ giảng viên, được các doanh nghiệp trả lương cao, môi trường làm việc thuận lợi nên thường không chọn trường đại học để giảng dạy.

'Nhìn thẳng, nói thật' về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ảnh 1
Khai trương Trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất Fujikin Đà Nẵng tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với sự hợp tác của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng trong việc phối hợp nghiên cứu chung, tài trợ nghiên cứu, đào tạo, tuyển dụng, chuyển giao công nghệ…

Một nguyên nhân nữa, theo PGS.TS Lê Thành Bắc, là các trường đại học đa ngành không thể chuyển đổi hoặc tăng chỉ tiêu quá lớn trong lĩnh vực CNTT. Điều này nhằm đảm bảo sự cân bằng trong cơ cấu ngành nghề. Trong quá khứ, cũng có nhiều ngành phát triển nóng trong giai đoạn ngắn hạn rồi suy giảm, sinh viên ra trường không có việc làm, đội ngũ giảng viên không chuyển đổi được ngành đào tạo.

Lỏng lẻo trong hợp tác doanh nghiệp - nhà trường

PGS.TS Lê Thành Bắc cho rằng, để nhân lực CNTT đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp, cần đẩy mạnh gắn kết hợp tác nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu.

ĐH Đà Nẵng đã triển khai các thỏa thuận hợp tác với nhiều địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, coi đây là giải pháp đột phá để kiến tạo môi trường, hệ sinh thái hợp tác nhà trường - doanh nghiệp CNTT. ĐH Đà Nẵng chú trọng phân tầng trong hợp tác với các doanh nghiệp, kết nối, củng cố hợp tác cấp ĐH Vùng gắn với các tập đoàn, thương hiệu uy tín lớn, điển hình như: Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; Tập đoàn, Khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; Tập đoàn Microsoft (mở Học viện Microsoft đầu tiên tại miền Trung); Viện Công nghệ Quốc tế Nhật Bản; Học viện Cork (Ai-len), Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC…

'Nhìn thẳng, nói thật' về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ảnh 2
Đại diện Fujikin thăm phòng thí nghiệm Công nghệ cao tại toàn nhà Smart Building tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng sử dụng cho việc đào tạo, nghiên cứu chung của 2 bên.

Có một thực tế là phương thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT phần nhiều chủ yếu dựa trên thoả thuận có tính tự nguyện. Tuy nhiên, lại thiếu cơ chế ràng buộc, cộng đồng trách nhiệm và phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai nên kết quả, hiệu quả chưa cao.

Các doanh nghiệp CNTT kết nối hợp tác chủ yếu thông qua các cựu sinh viên, học viên gắn bó với nhà trường bằng tình cảm cá nhân, chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhà trường và chính các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp hợp tác chủ yếu là tìm kiếm, tuyển chọn ngay một số sinh viên tốt nghiệp giỏi, xuất sắc, chưa thực sự đầu tư dài hạn cho công tác đào tạo, dẫn đến hiệu quả cung ứng, sử dụng nguồn nhân lực CNTT còn rất lãng phí. Chưa có nhiều đóng góp về đổi mới quản trị đại học và hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình hiệu quả cho nhà trường.

Ông Nguyễn Duy Nghiêm, Giám đốc Đại học FPT Greenwich (cơ sở Đà Nẵng) cho biết, trên thế giới mà nhất là ở Hàn Quốc, Pháp, doanh nghiệp rất có trách nhiệm trong việc đào tạo nguồn nhân lực, kết nối với nhà trường bằng cách cho phép sinh viên học hỏi những ứng dụng mới thuộc đơn vị kèm với đó là những cam kết về tính bảo mật.

Cần điều chỉnh chuẩn giảng viên ngành CNTT

PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết, việc các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo đặc thù đối với các ngành trong lĩnh vực CNTT theo quy định của Bộ GD-ĐT cũng là một giải pháp quan trọng nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Với chương trình đặc thù, sinh viên được cử đi đào tạo thực tế một phần chương trình tại doanh nghiệp. Nhà trường mời được nhiều cán bộ, chuyên gia lĩnh vực CNTT tham gia giảng dạy. Nhờ vậy, các trường giảm được áp lực về đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất trong thực hành, thực tập.

"Chính sách đào tạo đặc thù này đã góp phần tăng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo lĩnh vực CNTT của ĐH Đà Nẵng từ năm 2018. Thời gian tới, ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện CTĐT theo hướng đặc thù để tăng chỉ tiêu, đồng thời để tạo điều kiện cho sinh viên gắn với doanh nghiệp" - PGS.TS Lê Thành Bắc cho biết.

'Nhìn thẳng, nói thật' về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin ảnh 3
Phòng nghiên cứu, đào tạo thực hành chuyển đổi số tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng do Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Nam Long (NLT Group) đầu tư với tổng kinh phí 10 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Thành Bắc, cần có quy định chuẩn giảng viên ngành CNTT phù hợp với thực tế để huy động lực lượng cán bộ doanh nghiệp CNTT có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học. "Hiện nay tại Việt Nam, do rào cản về tiêu chuẩn giảng viên nên các trường không huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp. Trong khi đó, tại nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này tới 50%. Nếu kéo dài sẽ khó phát triển được mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT" - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng khẳng định.

Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP Đà Nẵng, tính đến cuối năm 2021, TP Đà Nẵng ước tính có khoảng 44.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong đó phần lớn nhân lực tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Dựa trên số liệu dự báo của Đề án Quy hoạch chung, giai đoạn 2022 - 2025, thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm và trong giai đoạn 2026 - 2030, con số này là 8.000 nhân lực/năm. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết là số lượng phải đi đôi với chất lượng.

“Nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết cung cầu về nhân lực công nghệ thông tin giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng” - ông Thạch cho biết.

Bài liên quan
Rào cản ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học
Đâu là rào cản ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học?

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Nhìn thẳng, nói thật' về đào tạo nhân lực công nghệ thông tin