Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng cho biết, đường sắt Việt Nam cũng đã nâng cấp, mở ra các kho hàng, bãi hàng, kho liên vận quốc tế như từ ga Yên Viên mở thẳng sang ga Thạch Gia Trang (Trung Quốc) với 2 đôi tàu chạy liên tục hằng tuần hay tuyến đường sắt liên vận chạy thẳng từ ga Sóng Thần (Bình Dương) sang Trung Quốc.
Đường thuỷ nội địa cũng có nhiều công trình tạo động lực. Phải kể đến là kênh Nối Đáy - Ninh Cơ rút ngắn tuyến vận tải thuỷ từ Hoà Bình về đến Ninh Bình rút ngắn hơn 80 km, chi phí tiết kiệm về xăng dầu cho các doanh nghiệp khoảng 5 giờ và hơn 400 tỷ đồng.
Ở phía nam, tuyến kênh Chợ Gạo là tuyến huyết mạch kết nối từ vùng đồng bằng sông Cửu Long lên vùng Đông Nam Bộ đã nâng cấp và được đưa vào khai thác.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chia sẻ thêm, năm vừa qua ngành giao thông có nhiều điểm sáng về đường cao tốc, đường bộ, đường sắt, hàng không, cảng biển. Hiện có rất nhiều nhà đầu tư muốn tham gia các dự án xây dựng cảng nước sâu, cảng container như ở Cần Giờ, Ninh Chiểu…
Về đường bộ, không chỉ là phân cấp cho địa phương cùng làm mà việc huy động nguồn vốn theo phương thức PPP cũng đã thực hiện tốt, đơn cử như tại ngày 1/1 vừa qua đã khởi công tuyến đường cao tốc từ cửa khẩu Hữu Nghị đi Trà Lĩnh (Cao Bằng) thực hiện bằng phương thức đối tác công tư (PPP). Sân bay Điện Biên cũng sẽ hoàn thành nâng cấp, mở rộng trong năm 2024.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, tình hình năm 2024 tiếp tục khó khăn và có thể khó khăn hơn năm 2023.
Qua đó, Thủ tướng đã đã nêu lên các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong năm 2024 bao gồm đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thực chất, hiệu quả các đột phá chiến lược, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình giao thông trọng điểm, nhất là cảng hàng không quốc tế Long Thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.