Trước thực trạng thiếu giáo viên, ngành GD-ĐT Lai Châu đã áp dụng một số giải pháp nhằm tập trung tháo gỡ. Một trong những giải pháp căn cơ và lâu dài là ưu tiên tuyển dụng giáo viên.
Theo ông Lò Việt Tuyển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu, căn cứ vào chỉ tiêu, số lượng biên chế được giao, ngành đẩy mạnh tuyển dụng giáo viên còn thiếu theo phân cấp. Ưu tiên tuyển dụng giáo viên những môn học mới, đặc biệt là Tiếng Anh, Tin học. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp để thu hút nguồn tuyển như: Thông báo, tuyên truyền trên hệ thống thông tin truyền thông, phối hợp với các trường đại học sư phạm để đảm bảo nguồn tuyển.
Thiếu biên chế, giáo viên phải dạy kiêm nhiệm. |
Để chuẩn bị đội ngũ cho năm học, Sở GD&ĐT Lai Châu và 7 huyện, thành phố đang thực hiện tuyển dụng 395 chỉ tiêu viên chức. Tuy nhiên, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp không ít khó khăn. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên, chính sách thu hút giáo viên đối với huyện còn nhiều điều “đáng bàn”, nhất là giáo viên dạy 2 môn Tiếng Anh, Tin học.
Minh chứng là trong 8 năm qua, Tân Uyên chưa tuyển dụng được giáo viên dạy môn Tiếng Anh nào. Trong khi đó, có 14 người dạy môn này xin chuyển công tác về các tỉnh miền xuôi hoặc chuyển ngành. Cùng với đó, sau khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, trình độ chuyên môn của giáo viên các cấp được nâng chuẩn. Đây là yêu cầu có phần “quá sức” so với điều kiện thực tế về đội ngũ ở địa phương.
Trước khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, ngành GD-ĐT huyện Tân Uyên đã đưa ra giải pháp được cho là “tình thế” để gỡ khó. “Ngành đã yêu cầu trường có giáo viên, vừa kết hợp dạy trực tiếp tại lớp được phân công và dạy trực tuyến rồi phát tín hiệu đi cho những trường chưa có giáo viên phụ trách. Cùng với đó, tổ chức cho giáo viên dạy kiêm nhiệm” – ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng thừa nhận, giải pháp này chỉ mang tính tạm thời bởi trang thiết bị cần phải nâng cấp đồng bộ mới đáp ứng cho công tác giảng dạy trực tuyến. Thêm vào đó, việc quản lý lớp, kiểm tra chất lượng học tập của học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn. Chế độ thanh toán cho giáo viên đứng lớp và đảm bảo quyền lợi cho các đội ngũ cũng cần chú trọng.
Thầy Hà Đình Chính, giáo viên Trường Tiểu học Nậm Sỏ (Tân Uyên) nhà ở thị trấn Tân Uyên, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy tại xã Nậm Sỏ, hàng ngày di chuyển hơn 40km mới vào đến trường. Do thiếu giáo viên, năm học 2022 – 2023, ngoài giảng dạy tại 2 trường là Tiểu học Nậm Sỏ và Thân Thuộc, thầy được giao kiêm nhiệm thêm Trường Tiểu học và THCS Tà Mít – một trong những điểm trường xa nhất huyện. Việc đi lại càng khó khăn hơn.
Tại huyện Sìn Hồ, ông Phạm Văn Phôi chia sẻ giải pháp: Phòng chủ động tham mưu cho UBND huyện quyết định điều động giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu và từ nơi thiếu ít đến nơi thiếu nhiều. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ cho giáo viên Tiếng Anh và Tin học của cấp THCS dạy kiêm nhiệm cấp tiểu học.
“Chúng tôi khuyến khích tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại các cơ sở giáo dục đảm bảo điều kiện. Đồng thời, bố trí giáo viên dạy liên cấp, liên trường. Tiếp tục thực hiện dồn ghép các điểm trường lẻ, sáp nhập trường có quy mô nhỏ đối với những nơi có đủ điều kiện. Cùng với đó, căn cứ vào nhu cầu thực tế của địa phương, đơn vị đối với những vị trí chưa tuyển dụng được sẽ thực hiện hợp đồng giáo viên theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ” – ông Lò Việt Tuyển nói.