Trước đó, cuối năm 2021, TPBank tuyên bố đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, IFRS 9 và triển khai toàn diện ngay trong quý 4/2021. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trên thị trường được một bên thứ 3 là KPMG đứng ra rà soát độc lập và công nhận kết quả này.
Tiếp theo là VPBank cũng đã áp dụng Basel III - Rủi ro thanh khoản từ năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng này còn hoàn thành việc ban hành chính sách và quy trình theo phương pháp IFRS9 - một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro.
Đến tháng 5 vừa qua, thêm SeABank cũng tổ chức công bố kết quả triển khai và áp dụng các chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng.
Ngoài 4 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai Basel III vàdự kiến hoàn thành sớm trong thời gian tới.
Chẳng hạn, OCB cho biết, nhà băng này đang tập trung triển khai những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn như Basel III và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Trước đó, OCB là một trong những ngân hàng triển khai trước hạn việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Ngay sau VIB và Vietcombank, tháng 12/2018, OCB cũng công bố về việc đáp ứng Thông tư 41 của NHNN.
Một số khác thì áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III, bao gồm: ACB, VIB, MSB, HDBank, Techcombank, LienVietPostBank, ABBank. Hồi đầu năm, VIB và MSB cho biết đã hoàn thiện áp dụng Basel III trong quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong khi đó HDBank cũng đã áp dụng hai chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng (NSFR) và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) của Basel III.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, triển khai Basel III không phải là điều dễ dàng. Để triển khai, ngân hàng chắc chắn phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, đòi hỏi ngân hàng phải tăng thêm vốn liên tục để đảm bảo khả năng mở rộng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động và thách thức, việc ngân hàng áp dụng các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ hơn, như Basel III sẽ giúp ngân hàng hoạt động lành mạnh, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cổ đông. Điều này cũng giúp ngân hàng có được xếp hạng tín nhiệm cao hơn, không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế, để có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ.
Việc áp dụng chuẩn quản trị rủi ro càng cao, như Basel III, và ở càng nhiều ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam trở nên an toàn, lành mạnh và vững vàng hơn. Muốn được như vậy, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà băng, chẳng hạn như ưu tiên nhiều hơn so với các nhà băng khác trong việc cấp room tín dụng, để ngân hàng có thể thúc đẩy hoạt động tốt hơn. "Các ngân hàng đạt chuẩn Basel cao là bản thân đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh vì vậy cần ưu tiên. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao thì có thể bị hạn chế room tín dụng hơn" - TS. Cấn Văn Lực nói.