Những 'thầy thuốc' lặng thầm giữ an toàn cho học sinh vùng cao

Hà Thuận | 26/02/2023, 15:58
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thầy thuốc “rẽ ngang” làm nhân viên y tế học đường dù không được gọi là Bác sỹ, Y sỹ, nhưng họ vẫn lặng thầm cống hiến vì học sinh vùng cao.

Lặng thầm… thế thôi!

Chúng tôi đến điểm Cụm 2 của trường phổ thông DTBT tiểu học xã Ka Lăng, huyện Mường Tè cùng với anh Bùi Văn Ả từ sáng sớm. Điểm trường cách trung tâm xã khoảng 8km và có 84 học sinh thuộc diện bán trú.

Anh Bùi Văn Ả là nhân viên y tế của nhà trường và được giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại Cụm 2 này. Lý do là bởi điểm trường xa trung tâm, lại không gần Trạm y tế nên anh phải túc trực để đề phòng những lúc học sinh ốm đau.

Công việc đầu tiên của anh Bùi Văn Ả khi đến điểm trường là vào nhà bếp để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Vừa cẩn thận lấy từng mẫu thức ăn sống vào tủ bảo quản, anh vừa kể cho chúng tôi biết về “cái duyên” với nghề nhân viên y tế: “Tôi học trường Trung cấp Y tế Hòa Bình. Vào dịp Tết 2010, khi đó tôi mới ra trường thì tình cờ gặp vợ chồng một anh chị đang công tác trên Lai Châu. Anh chị ấy có hỏi tôi đã xin được việc ở đâu chưa? Nếu chưa thì lên Lai Châu làm đi vì trên này đang tuyển y tế học đường”.

Thế rồi, anh Ả làm hồ sơ xin lên Lai Châu công tác. Anh được giao nhiệm vụ tại trường phổ thông DTBT THCS Ka Lăng từ ngày 1/1/2011.

Những 'thầy thuốc' lặng thầm giữ an toàn cho học sinh vùng cao ảnh 1
Anh Bùi Văn Ả lấy thức ăn để lưu mẫu.

“Ngày đó lên Ka Lăng còn khó khăn nhiều lắm! Đường đi thì lầy lội khi trời mưa, bụi mù lúc nắng. Nước nôi khan hiếm, điều kiện sinh hoạt cũng khó khăn lắm. Ở đây không có chợ, có mấy cửa hàng tạp hóa nhưng lúc nào cũng “cháy” hàng vì cách xa trung tâm huyện” – anh Ả chia sẻ.

Hơn 11 năm trôi qua, Ka Lăng giờ đã thay đổi. Giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa, thực phẩm cũng thế mà đủ đầy hơn. Công việc nhân viên y tế kiêm phụ trách vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà trường vẫn được anh đảm nhiệm. Chỉ có điều khác là anh đã chuyển sang làm việc tại trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Ka Lăng.

Anh Ả kể: “Cứ mỗi đợt chuyển mùa hay thay đổi thời tiết, học sinh ở đây thường hay bị ốm. Nhà trường có tủ thuốc nhưng chỉ là những loại thuốc thông thường như: Kháng sinh, hạ sốt, đau bụng… nên khi học sinh có biểu hiện ốm nặng hay chấn thương, tôi thường sơ cứu ban đầu và phối hợp với giáo viên trực bán trú đưa học sinh ra trạm y tế”.

Những 'thầy thuốc' lặng thầm giữ an toàn cho học sinh vùng cao ảnh 2
Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, anh Bùi Văn Ả kiêm nhiệm công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của trường.

Năm học này, trường phổ thông DTBT Tiểu học xã Ka Lăng có 289 học sinh, trong đó có 162 em thuộc diện bán trú. Vai trò của nhân viên y tế học đường như anh Ả vì thế rất quan trọng, nhất là đối với việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh ăn, ở tại trường.

Thầy Lỳ Xừ Po, Hiệu trưởng trường phổ thông DTBT Tiểu học Ka Lăng chia sẻ: “Không chỉ là người theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của từng học sinh, nhân viên y tế học đường còn nhận trách nhiệm đảm bảo những bữa ăn an toàn cho trò ở bán trú. Khi xảy ra dịch bệnh phức tạp, vai trò của nhân viên y tế trường học lại càng quan trọng hơn vì phải liên tục theo dõi, kiểm tra tình hình sức khỏe của học sinh, hướng dẫn các em cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân và phòng chống dịch”.

Dù không phải là quyết định trực tiếp đến thành tích học tập của nhà trường nhưng cán bộ y tế trường học giữ một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài việc lập kế hoạch hoạt động y tế theo từng đợt dịch bệnh có thể bùng phát trong trường học, họ còn là người quản lý bảo hiểm y tế của học sinh toàn trường, nắm vững bệnh lý của từng trường hợp đặc biệt để có can thiệp kịp thời.

“Công việc của nhân viên y tế tưởng như lặng thầm thế thôi nhưng lại góp phần không nhỏ vào thành công của nhà trường. Họ có mặt trong tất cả các hoạt động giáo dục và nuôi dưỡng, chăm sóc học sinh ăn, ở bán trú” – thầy Lỳ Xừ Po cho biết thêm.

Thầy Lỳ Xừ Po: "Hàng năm, nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhà trường thường có những món quà nhỏ, bó hoa gửi tặng nhân viên y tế học đường để động viên, khuyến khích họ cống hiến hơn nữa cho thành công chung của nhà trường".

Quan trọng nhưng vẫn… thiếu

Rời Ka Lăng, chúng tôi đến thăm trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Chà, huyện Nậm Nhùn. Đây là 1 trong 6 trường của huyện Nậm Nhùn có nhân viên y tế học đường.

Trong bữa cơm bán trú của gần 300 học sinh, thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Phi giới thiệu với chúng tôi về anh Nguyễn Trọng Hiểu - nhân viên y tế của nhà trường cùng lời chia sẻ: “Bên cạnh công việc chuyên môn, thầy còn đang kiêm nhiệm vụ kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhà trường. Sáng sớm nhận thực phẩm, rồi khi nấu xong phải tiến hành lấy mẫu để lưu. Nhờ tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình của đồng chí ấy mà trường tôi chưa xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm”.

Anh Hiểu lên đây công tác từ năm 2012, khi Nậm Chà vẫn đang thuộc huyện Mường Tè. “Hơn 10 năm công tác tại trường, tôi đã luôn nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhất là công tác chuyên môn. Giờ tôi đang kiêm nhiệm thêm vị trí nhân viên y tế của trường Phổ thông DTBT Tiểu học Nậm Chà và trường THCS thị trấn Nậm Nhùn. Tuy nhiên, do đường đi lại quá xa nên tôi chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ở 2 trường của Nậm Chà” – anh Hiểu chia sẻ.

Công việc hiện giờ của anh Hiểu chủ yếu là: Trực, phát thuốc cho học sinh ốm, làm hồ sơ kiểm thực, lưu mẫu thức ăn, kiểm tra công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh nhà trường và giám sát quá trình các em ăn uống.

Cũng theo anh Hiểu, do người dân trên Nậm Chà chủ yếu là đồng bào thiểu số (Mông, Dao, Cống) nên nhiều lúc học sinh ốm đau, họ thường ít khi cho đi bệnh viện mà mang về nhà làm lý. Chính vì vậy, bên cạnh tuyên truyền cho học sinh cách chăm sóc sức khỏe thì nhân viên y tế cần phải hiểu được tâm lý phụ huynh.

“Tôi nhớ có lần, 1 em bị đau tức vùng ngực kèm theo khó thở. Do trong trường không có thuốc nên tôi quyết định đưa em này ra ngoài Trạm y tế. Tuy nhiên, đi được mấy cây số thì gia đình đón lại, không cho ra trạm nữa mà đòi cho con về nhà làm lý (cúng bái để cầu mong sẽ khỏi bệnh). Họ cứ khăng khăng bảo là làm lý sẽ khỏi nên đành chịu để phụ huynh đưa về. Sau đó tôi lại đến nhà và vận động phụ huynh đưa con đi khám thì kết quả báo bị hẹp van tim thể nhẹ” – anh Hiểu chia sẻ.

Những 'thầy thuốc' lặng thầm giữ an toàn cho học sinh vùng cao ảnh 3
Không có nhân viên y tế học đường, nhiều giáo viên phải kiêm nhiệm.

Vai trò của y tế học đường là quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Nhu cầu nhân viên y tế là rất cần thiết. Tuy nhiên, rất nhiều trường trên địa bàn tỉnh Lai Châu lại đang thiếu một nhân viên y tế thực thụ.

Ông Trần Quang Tráng, Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Nhùn cho biết: “Toàn huyện hiện có 6/30 trường có nhân viên y tế học đường. Vai trò quan trọng là thế nhưng tổng thể biên chế của huyện ít nên khó bổ sung biên chế y tế học đường”.

Cô Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng trường Mầm non xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn: “Chưa năm nào chúng tôi có nhân viên y tế học đường. Cũng may điểm trường chính đông học sinh lại nằm ngay Trạm y tế xã. Nhà trường đã có quy chế phối hợp với Trạm y tế để khi có học sinh ốm đau hay dịch bệnh xảy ra sẽ có đội ngũ y tế cơ sở giúp đỡ. Còn việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cháu, nhà trường giao cho đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách”.

Bài liên quan
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà: 'Thiếu thuốc, trang thiết bị y tế là sự thiệt thòi cho người dân'
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho rằng, những vướng mắc trong các quy định về đấu thầu dẫn đến tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, hoá chất xét nghiệm... Điều này không chỉ gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh, mà còn là sự thiệt thòi cho người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những 'thầy thuốc' lặng thầm giữ an toàn cho học sinh vùng cao