Chọn đi vào “đường hẹp” với chứng bệnh chưa được quan tâm ở Việt Nam, TS Thanh Hương cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là tìm đối tác nghiên cứu tại các bệnh viện.
Thông thường những nghiên cứu lớn trên thế giới bắt đầu bằng việc xây dựng chuỗi nhóm bệnh nhân bị Alzheimer sẵn sàng tham gia nghiên cứu. Các bệnh viện lớn ở các quốc gia phát triển có sẵn hồ sơ của bệnh nhân, tạo nguồn dữ liệu tốt để các nhà khoa học nghiên cứu. Nhưng Việt Nam chưa có dữ liệu về nhóm bệnh nhân này nên gần như nhóm phải đi từ con số 0.
“Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi đến từng bệnh viện tìm kiếm bác sĩ thực sự quan tâm đến Alzheimer rồi mời hợp tác, hỗ trợ. Sau khoảng hai năm, nhóm đã thiết lập được mối quan hệ khá chặt chẽ với bộ môn Lão của Bệnh viện ĐH Y Dược TPHCM, đơn vị Trí nhớ và Sa sút trí tuệ của Bệnh viện 30/4”, TS Thanh Hương nhớ lại.
Alzheimer là căn bệnh gây tử vong cao nhất với người lớn tuổi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, hướng nghiên cứu về Alzheimer ngày càng trở nên cấp thiết. Do đó, nhóm xác định 2 vấn đề cần giải quyết, đầu tiên là nhóm bệnh liên quan đến Stress - căn nguyên của nhiều bệnh như rối loạn lo âu, trầm cảm đang ám ảnh các nước có nhịp sống nhiều áp lực. Nhóm bệnh thứ hai hiện chưa phải là nỗi lo lớn ở Việt Nam nhưng trong chục năm tới khả năng sẽ là gánh nặng cho ngành y tế. Đó là các bệnh lão hóa như Alzheimer.
“Tháng 3/2019, chúng tôi bắt tay thực hiện công trình, thành lập nhóm nghiên cứu Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ. Dự án của chúng tôi giúp chẩn đoán sớm, chính xác tình trạng bệnh Alzheimer để có cách chăm sóc và điều trị hiệu quả, giảm chi phí điều trị. Tôi và nhóm đang phát triển các công cụ giúp tăng cao độ chính xác, giảm tính xâm lấn và giá thành cho chẩn đoán Alzheimer”, TS Thanh Hương nói.
Chia sẻ thêm về hướng đi này, TS Thanh Hương cho biết, trên thế giới đã có một số công cụ phục vụ chẩn đoán bệnh Alzheimer được FDA Hoa Kỳ công nhận (chích dịch não tủy để xét nghiệm, chụp ảnh não bằng PET). Nhưng ở nước ta, những kỹ thuật này chưa thực hiện được do rất đắt và xâm lấn nhiều. Điều này đặt ra cho nhóm nghiên cứu hướng tiếp cận với giá thành rẻ và ít xâm lấn hơn.
GS.TS Lê Văn Cảnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: Nghiên cứu chuyên sâu về thần kinh học một mặt thúc đẩy hướng đi mới tại Trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TPHCM, bên cạnh thế mạnh là nghiên cứu công nghệ vật liệu mới, tế bào gốc, y sinh, năng lượng tái tạo, y học tái tạo… Quan trọng hơn, thông qua nghiên cứu của TS Thanh Hương đã tạo ra đầu mối hợp tác nghiên cứu quốc tế; giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc ứng phó và chữa trị căn bệnh Alzheimer trong tương lai.
“Trước mắt, chúng tôi phải thuyết phục Bộ Y tế kiểm duyệt và cho phép bộ công cụ này được đưa vào sử dụng. Đối với bất kỳ sản phẩm nào trong ngành y tế thì chặng đường từ phòng lab tới tay bệnh nhân đều rất dài và đòi hỏi nhiều nỗ lực”, TS Thanh Hương chia sẻ.