Nội dung thực hành, thí nghiệm: Không chờ “mở cửa trường” mới dạy

Hiếu Nguyễn | 11/03/2022, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp không thể đến trường trực tiếp, việc dạy học thí nghiệm, thực hành trở nên khó khăn. Tuy vậy, thầy cô vẫn có cách để triển khai sáng tạo, hiệu quả nội dung này.

Thí nghiệm ảo được cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên triển khai khi dạy học trực tuyến.Thí nghiệm ảo được cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên triển khai khi dạy học trực tuyến.

Trực tuyến vẫn có cách

Dạy thí nghiệm, thực hành có vai trò quan trọng trong phát triển năng lực cho học sinh, là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Với quan điểm này, thầy Hoàng Minh - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) - khẳng định: Dù trực tuyến hay trực tiếp thì dạy thực hành, thí nghiệm cũng được nhà trường chú trọng triển khai đầy đủ theo đúng nội dung chuẩn kiến thức kỹ năng các bài học, nội dung chương trình dạy học tinh giản Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, với dạy học trực tuyến, việc thực hiện có khó khăn. Một số thí nghiệm, do hạn chế thời gian nên giáo viên chỉ hướng dẫn rồi yêu cầu học sinh thực hiện ở nhà và nộp kết quả, sản phẩm; một số thì chỉ tiến hành được thí nghiệm ảo.

Dù có khó khăn nhất định, song thầy Hoàng Minh cho rằng: Những tiết dạy thực hành thí nghiệm vẫn tiến hành chứ không nhất thiết phải chờ mở cửa trường. Giáo viên có thể tự quay video thực hiện thí nghiệm để hướng dẫn học sinh, hoặc có thể sử dụng các thí nghiệm ảo. Các thí nghiệm đơn giản, không nguy hiểm, giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà bằng các đồ dùng, dụng cụ hay hóa chất thay thế. Ví dụ, có thể sử dụng giấm ăn thay cho axit thường, soda cho các phản ứng liên quan đến muối cacbonat.

Các dụng cụ thí nghiệm vật lý đơn giản, học sinh hoàn toàn có thể làm được ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên, như chế tạo bộ thí nghiệm tổng hợp ánh sáng, kính thiên văn đơn giản… hay các thí nghiệm về sự nảy mầm, lên men trong môn Sinh học. Qua những công việc này sẽ phát huy nhiều hơn nữa tính sáng tạo của giáo viên và học sinh, giúp kiến thức môn học trở nên gần gũi với thực tế đời sống.

“Trong quá trình tôi dạy học kết hợp với thí nghiệm thực hành, học sinh rất hứng thú. Các em có thể tự mình đưa ra những phán đoán, nhận xét, kết luận, qua đó lĩnh hội cả phương pháp nghiên cứu khoa học bộ môn, đồng thời làm chủ được kiến thức” - cô Nguyễn Thị Thanh Huệ chia sẻ.

Là giáo viên dạy Hóa học, nội dung thí nghiệm, thực hành vẫn được cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên có giải pháp triển khai, kể cả trong bối cảnh phải học trực tuyến. Việc dạy học kết hợp với các thí nghiệm, hình ảnh sinh động sẽ giúp học sinh dễ nhớ và hiểu bài hơn. Nếu không thể cho học sinh làm thí nghiệm, giáo viên có thể dùng các video thí nghiệm để quan sát; qua đó các em biết cách thực hành thí nghiệm, nêu được các hiện tượng xảy ra.

Tại Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, nhiều ý tưởng, sáng tạo được thầy cô tìm tòi, áp dụng hiệu quả khi chuyển sang dạy học trực tuyến; trong đó có giải pháp cho dạy học thí nghiệm, thực hành. Như với môn Vật lý, thầy Nguyễn Minh Đức bắt đầu bằng việc tìm công cụ hợp lý để hỗ trợ. Và Phyphox, phần mềm sử dụng các cảm biến trong các smartphone để thực hiện các phép đo trong thí nghiệm vật lý, được thầy tin tưởng sử dụng.

“Không chỉ dễ cài, phổ biến, miễn phí, giao diện rất đơn giản, thân thiện, phần mềm này có phép đo chính xác rất cao; cung cấp cho mỗi thí nghiệm nhiều học liệu đi kèm. Thí nghiệm được mô tả chi tiết và đính kèm một video hướng dẫn sử dụng phần mềm” - thầy Nguyễn Minh Đức chia sẻ.

Thí nghiệm ảo là “cứu cánh” nhưng không lạm dụng

Trong điều kiện dạy học trực tuyến và hiện nay đã học trực tiếp nhưng thời gian bị giảm đi vì phòng chống dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Thanh Huệ thường kết hợp trong bài dạy các video thí nghiệm ảo mình sưu tầm được để đưa vào từng nội dung học. Thí nghiệm ảo được cô Huệ tận dụng theo cả hướng nghiên cứu bài học; như yêu cầu học sinh đưa những dự đoán dựa trên cấu tạo của các chất, sau đó cho học sinh quan sát thí nghiệm ảo để xác thực dự đoán ban đầu của mình là đúng hay sai. Từ đó, học sinh có thể vận dụng kiến thức để giải thích và đi đến kết luận cho bài học. Hay trong quá trình dạy học, giáo viên có thể sử dụng thí nghiệm ảo để học sinh đối chứng, từ đó các em sửa chữa bổ sung thêm kiến thức, kết luận cho bài học.

“Dù không thể thay thế thí nghiệm mà học sinh trực tiếp được làm, nhưng thí nghiệm ảo cũng có điểm mạnh như: Hiện tượng rõ ràng, dễ quan sát; những thí nghiệm đòi hỏi nhiều thời gian mới hoàn thành, hay những thí nghiệm nguy hiểm, thì thí nghiệm ảo là một lợi thế tốt hơn. Để giáo viên thuận lợi hơn khi dạy thí nghiệm thực hành nói chung, khi vận dụng thí nghiệm ảo để giảng dạy nói riêng, nhà trường cần có nhân viên thực hành kết hợp với giáo viên bộ môn, liên tục giám sát học sinh thực hành.

Lý do, một mình giáo viên không thể giám sát số lượng học sinh quá đông, trong khi nhiều học sinh thì tò mò, đôi khi thực hiện những thí nghiệm có thể nguy hiểm không theo yêu cầu của giáo viên. Cùng với đó, mở các buổi tập huấn cho giáo viên và học sinh xử lý các sự cố xảy ra trong phòng thí nghiệm; tập huấn hướng dẫn giáo viên tự mình có thể tạo các thí nghiệm ảo theo ý tưởng, giúp bài học trở nên phong phú hơn” - cô Nguyễn Thị Thanh Huệ bày tỏ.

Tại Trường THPT Hàm Rồng, Thanh Hóa, thầy cô cũng khai thác, tận dụng các thí nghiệm ảo để dạy học thí nghiệm, thực hành. Theo thầy Hiệu trưởng Thiều Ánh Dương, dù không thể thay thế thí nghiệm thực tế, nhưng rõ ràng thí nghiệm ảo có ưu điểm mà thí nghiệm thực không có được, đó là độ chính xác cao. Bên cạnh đó, với thực tế các dụng cụ, thiết bị, đồ dùng thí nghiệm rất đắt đỏ, việc sử dụng hợp lí các thí nghiệm ảo là giải pháp tốt cho các nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thí nghiệm ảo đều là do thầy cô tự mày mò, tìm hiểu, lấy về từ trên mạng và chia sẻ cho nhau. “Mong rằng có nguồn cung cấp các thí nghiệm ảo chính thống, nhà trường sẵn sàng đầu tư để hỗ trợ thầy cô trong giảng dạy” - thầy Thiều Ánh Dương chia sẻ.

Cùng với sự phát triển công nghệ hiện nay, thí nghiệm ảo đã trở nên quen thuộc. Ngày càng có nhiều thí nghiệm ảo được giáo viên, học sinh xây dựng. Không riêng gì dạy học trực tuyến, trong dạy học trực tiếp, đối với các thí nghiệm khó, hóa chất độc hại, chúng ta cũng sử dụng thí nghiệm ảo để thay thế. Chia sẻ điều này, thầy Hoàng Minh cũng cho biết quan điểm của Trường THPT Phú Bài rất rõ ràng: Chỉ sử dụng thí nghiệm ảo để thay thế khi không tiến hành được thí nghiệm thật, chứ không lạm dụng thí nghiệm ảo. Để việc dạy học thực hành, thí nghiệm đạt hiệu quả, thầy Hoàng Minh mong muốn các cấp quan tâm hơn nữa đến cơ sở vật chất, thiết bị các phòng thực hành thí nghiệm, cần có khóa tập huấn cho giáo viên, cán bộ quản lý thiết bị, xây dựng và hệ thống hóa kho thí nghiệm ảo…
Bài liên quan
Không thi thực hành trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia
(GDTĐ) - Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa có công văn thông báo về việc điều chỉnh trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2021-2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nội dung thực hành, thí nghiệm: Không chờ “mở cửa trường” mới dạy