Nữ sinh Hà Nội giành giải ba quốc tế viết thư UPU

T/H | 30/08/2021, 09:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Với bức thư "Gửi em bé có mẹ mắc Covid-19", nữ sinh Đào Anh Thư ở Hà Nội đã giành giải ba quốc tế cuộc thi Viết thư UPU.

Hồi tháng 5, bức thư giành giải nhất quốc gia, được dịch sang tiếng Anh và Pháp rồi gửi tham dự quốc tế. Anh Thư chia sẻ trong một lần đọc báo, biết đến câu chuyện về em bé sinh ra trong khu cách ly. Mẹ em là bệnh nhân Covid-19 ở Quảng Ninh và không thể ở gần con, còn em bé được hộ lý chăm sóc.

"Đọc câu chuyện ấy, em rất xúc động trước tấm lòng của các y bác sĩ và hộ lý, cảm thấy đây là chuyện đặc biệt, vì trong hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm nhất, con người đã làm được điều kỳ diệu", Thư, hiện học lớp 9A2, chia sẻ.

Anh Thư mê văn học từ nhỏ, thường được mẹ là giáo viên Văn khuyến khích đọc những cuốn sách hay. Ngoài Văn, Thư còn học đều các môn và nổi trội ở môn tiếng Anh. Hiện em là học sinh đội tuyển tiếng Anh của trường.

Cô Nguyễn Thị Bích Vân, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Huy Tưởng, chia sẻ: "Lúc Thư giành giải nhất quốc gia, toàn thể nhà trường đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Giờ con được giải ba quốc tế, niềm vui của thầy cô và gia đình càng được nhân lên gấp bội".

Cuộc thi viết thư quốc tế được UPU được Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) tổ chức từ năm 1971, với mong muốn giúp các em thanh thiếu niên từ 10 đến 15 tuổi trên toàn thế giới hiểu biết hơn về ngành bưu chính, trau dồi khả năng viết và cảm thụ văn học thông qua việc viết thư tay và thể hiện quan điểm, mong muốn về những vấn đề đang được xã hội và quốc tế quan tâm.

Hơn 60 nước tham gia cuộc thi hàng năm. Trong hơn 30 năm tham gia, Việt Nam đã đạt được 2 giải nhất, 2 giải nhì, 6 giải ba và 5 giải khuyến khích.

Dưới đây là Bức thư đạt giải 3 quốc tế cuộc thi UPU lần thứ 50 của Đào Anh Thư:

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 08-02-2021

Thiên thần của chị! 

Em đang ngủ hồn nhiên, đôi môi chúm lại như đang mút kẹo. Còn chị, chị ngắm nhìn em, một thiên thần được sinh ra giữa mùa Covid, với niềm hạnh phúc không gì tả nổi. Chị muốn nói với em thật nhiều về những ngày tháng chị cùng em ở trong khu cách li này nhưng em quá bé nhỏ chẳng thể ghi nhớ nổi điều gì. Thế nên chị viết những dòng này cho em của chị. 

Em thân yêu!

Buổi sáng ấy, khi kênh thời sự đưa tin trên toàn thế giới đã có hơn một trăm triệu người mắc Covid-19 và hơn hai triệu người bị "tử thần Covid" cướp đi sự sống; còn ở  đất nước mình, dịch đang bùng phát trở lại và có thêm nhiều ca mắc mới thì đó cũng chính là lúc mẹ trở dạ sinh em. Chao ôi! Chị không thể nhớ nổi, cảm xúc của mình lúc đó như thế nào nữa. Chỉ biết rằng, rất nhanh chóng phòng cách ly của mẹ biến thành phòng để sinh em. Các cô, các bác y tá, bác sĩ đều khẩn trương nhất có thể. Còn chị, chị ở phòng bên này ngóng sang bên đó, chờ đợi em trong cuộc hành trình đến với thế giới này. Chị hết đứng lên, ngồi xuống, không yên. Đúng là ai chưa từng chờ đợi trong lo âu, phấp phỏng thì sẽ chẳng bao giờ cảm nhận được thời gian đợi chờ nặng nề, lê thê đến thế nào… 

Em bé bỏng của chị!

Khi em cất tiếng khóc chào đời, không gian như bừng sáng. Bế em trên tay là một bác sĩ trong bộ bảo hộ y tế màu xanh, khẩu trang kín mít, chỉ còn hở đôi mắt ánh lên nét rạng ngời. Em cất tiếng khóc, chị nhẹ nhõm như vừa trút gánh nặng ngàn cân, vui sướng đến run người, nghe bên tai tiếng bà cười trong nước mắt, bố đang gọi video bỗng lặng đi…Tất cả vỡ òa cảm xúc… 

Em sinh ra trong sự nâng niu, đón chờ của những người thân và nhiều hơn thế nữa, tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây. Dù cho ngoài kia, cả thế giới đang chao đảo vì cơn bão tử thần Covid-19, thì em ơi, cứ ngủ thật ngon lành bởi trong này bình yên lắm. Em được chở che trong vòng tay ấm êm của những con người thầm lặng. Đó là những bác sĩ không quản ngày đêm hi sinh bản thân mình hết lòng vì người bệnh, tấm chắn giọt bắn lúc nào cũng đầy hơi nước vì không có cơ hội được bỏ ra, lưng áo ướt đẫm mồ hôi cho dù là đang giữa những ngày đông tháng giá. Đó là những người tự nguyện ở luôn trong bệnh viện, cả cái Tết đoàn viên cũng chẳng về nhà, đó  là cô y tá sẵn sàng gửi con nhỏ mới lên ba cho ông bà chăm sóc, và từng đêm, khi em quấy khóc, cô lại bế bồng và hát ru em câu hát "À ơi, con cò bay lả, bay la…".

Em à! Chị thật may mắn khi được ở đây trong những ngày qua. Thời gian gần một tháng trời đã cho chị hiểu rằng bên trong tấm biển "KHU VỰC CÁCH LY ĐẶC BIỆT" kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương. Thế giới có những anh hùng thầm lặng, sẵn sàng cho đi mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì. Nơi đây đã cho chị biết hạnh phúc không phải chỉ là được ăn ngon, mặc đẹp, được thỏa sức vui chơi mà là được sống trong niềm tin về tình yêu thương giữa những con người. Bây giờ chị thực sự hiểu rằng vì sao một đất nước nhỏ bé trên bản đồ thế giới lại khiến cho các cường quốc năm châu phải nể phục trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.  Đơn giản thôi em ơi, mỗi con người của dải đất này đều truyền đến nhau thông điệp 5K: "Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế". Tất cả cùng hòa chung "Vũ điệu rửa tay - GhenCoVy". Tất cả cùng đồng lòng "chống dịch như chống giặc", và anh dũng nhất là những nhân viên y tế tuyến đầu. 

Nhìn em ngủ hồn nhiên, ngon lành trong lòng mẹ, chị như vừa qua giông bão đến được bến bình yên. Mình sẽ về nhà trong niềm vui xuân mới, những con người thầm lặng nơi đây vẫn tiếp tục cuộc chiến tới cùng. Rồi đây, mỗi ngày em một lớn khôn, chị em mình sẽ như những cây xương rồng mạnh mẽ trước bão giông. Tất cả bắt đầu từ ngày hôm nay, em nhé! 

Yêu em thật nhiều!

Bài liên quan
Những kỷ niệm của nữ sinh Ngữ văn - Đại học Sư phạm (khóa 1983-1987)
(GDTD) - Như một món nợ truyền kiếp, hay còn gọi là thú vui truyền đời: cứ ngày mai thi tốt nghiệp là đêm nay hai khoa Toán - Ngữ văn đối đầu ngôn ngữ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nữ sinh Hà Nội giành giải ba quốc tế viết thư UPU