Đã lựa chọn sẽ quyết theo đuổi đến cùng
Nhớ lại lí do quyết tâm theo đuổi ngành Tài nguyên Môi trường - ngành học vốn kén người học, đặc biệt là phái nữ, Ngọc kể:
"Khoảng 1 tháng trước khi em thi đại học thì xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển tại Hà Tĩnh do công ty Formosa gây ra. Trực tiếp sinh sống tại khu vực biển bị ô nhiễm, chứng kiến tác động của môi trường đến cuộc sống sinh hoạt của gia đình, người dân nên em đã quyết tâm theo đuổi ngành Tài nguyên Môi trường với hy vọng góp sức mình cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Do điều kiện gia đình còn khó khăn, nên ngay từ khi bước chân vào cánh cổng đại học, Ngọc đã đặt mục tiêu rõ ràng: dành học bổng cho phần học phí và kiếm thêm việc làm để lo chi phí sinh hoạt.
Năm nhất, do chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nên em chỉ làm thêm các công việc có thể kiếm ra thu nhập. Sang đến năm 2, khi đã vững vàng hơn, Ngọc bắt đầu thực tập, làm thêm tại các đơn vị liên quan đến lĩnh vực môi trường để tích lũy kinh nghiệm.
Kể lại quãng thời gian 4 năm vừa làm vừa học, có những lúc nữ sinh áp lực đến phát khóc nhưng chưa từng có ý định từ bỏ con đường mình đã lựa chọn bởi càng học sâu, tiếp cận tri thức mới, em càng say mê và kiên định, quyết tâm theo đuổi nghiên cứu khoa học đến cùng.
“Thời điểm mới lên đại học, chưa quen môi trường, lại mất cân bằng giữa việc học và làm thêm nên em bị hẫng gần 1 năm. Nhưng sau đó, mọi thứ dần dần ổn định và em đã quen với guồng quay của việc vừa học, vừa làm, hoàn thành theo đúng kế hoạch em đã đặt ra".
Chưa bỏ lỡ học bổng nào
Bận rộn với việc học, áp lực với công việc nhưng niềm đam mê nghiên cứu khoa học trong nữ sinh vùng quê Hà Tĩnh chưa bao giờ dập tắt.
"Sang năm 2, em bắt đầu nghiên cứu khoa học. Khi mới bắt đầu, em chưa đạt giải. Sang năm 3, do dịch bệnh nên việc nghiên cứu khoa học phải tạm hoãn. Năm cuối, em vẫn theo đuổi nghiên cứu và may mắn đạt giải nhất cấp trường. Hiện tại, đề tài của em đã được gửi lên cấp Bộ và sang tháng 12 sẽ được công bố giải” - Ngọc chia sẻ.
4 năm nỗ lực học hỏi, nữ sinh đã dành nhiều thành tích đáng nể phục như: Danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp thành phố, cấp Đại học Quốc gia; danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở; Giải ba cuộc thi viết "Chào K63, khát vọng vươn xa"; Giải thuyết trình hay nhất cuộc thi Mô hình địa chất; Học bổng Đào Minh Quang năm 2020; Học bổng Đồng hành 5 kỳ - Học bổng Đoàn Nhật Trưởng,…
Sở hữu thành tích khủng, nhưng khi được hỏi về bí kíp học tập, thủ khoa đầu ra Khoa Địa chất chia sẻ, những thành tích của em có được chủ yếu đến từ việc tự mày mò học hỏi, nghiên cứu. Bên cạnh đó, em cũng cố thu xếp tham gia các hoạt động ngoại khoá để phát triển các kỹ năng mềm.
"Ngoài các giờ học trên lớp, em vẫn tự học ở thư viện, tự học ở nhà, thực tập ở trên các phòng thí nghiệm. Chỗ nào khó khăn, không hiểu, em nhờ đến sự hỗ trợ của các thầy cô trong khoa, các anh chị khóa trên" - Ngọc kể lại.
Ngọc chia sẻ, rất nhiều người nghĩ rằng, con gái theo nghiên cứu khoa học rất vất vả và khó kiếm việc. Bản thân em trước đây cũng có suy nghĩ đó. Nhưng khi được tiếp cận môi trường đào tạo chuyên nghiệp, được định hướng nghề nghiệp, em nhận ra cơ hội việc làm của ngành em học nói riêng và các ngành khoa học rất rộng mở.
“Hằng năm, các doanh nghiệp, đơn vị vẫn thường xuyên về trường tổ chức tư vấn nghề nghiệp, tuyển dụng,…Cơ hội việc làm với các ngành khoa học cơ bản rất rộng mở và không hề bó hẹp như suy nghĩ của nhiều người” - Thủ khoa Khoa Địa chất nói.
Chia sẻ về dự định tương lai, Ngọc cho biết em may mắn nhận được Học bổng toàn phần sau đại học lĩnh vực Khoa học Trái đất tại Trường Đại học Quốc lập Trung ương (Đài Loan). Em dự định sẽ tiếp tục theo đuổi con đường học tập, nghiên cứu và sau đó, trở về Việt Nam, đóng góp sức lực nhỏ bé trong việc xây dựng, phát triển đất nước.