Nước châu Âu nhắm mục tiêu vào 1.500 lính Nga, căng thẳng dâng cao: Moscow được kêu gọi hành động ngay

Nhật Minh | 04/12/2023, 08:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau động thái được Nga gọi là "bước đi thù địch", nước châu Âu tiếp tục làm gia tăng căng thẳng khi nhắm tới các binh sĩ Nga đang làm nhiệm vụ ở Cobasna.

Căng thẳng Moldova - Nga dâng cao

Hãng thông tấn TASS ngày 29/11 cho biết, Moldova đã quyết định tham gia các biện pháp trừng phạt cá nhân của Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga.

Trong gói trừng phạt, EU đã đưa vào danh sách đen "gần 1.800 cá nhân và tổ chức" của Nga. Những đối tượng này bị hạn chế đi lại, tài sản bị phong tỏa và không được cung cấp nguồn vốn hay nguồn lực kinh tế nào khác.

Quốc hội Moldova đồng ý tuân thủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga theo khuyến nghị của EU trong quá trình xin gia nhập khối. Đáng nói, theo gói trừng phạt, Moldova sẽ nhắm tới hàng trăm người Nga, bao gồm cả những người đang làm việc ở Transnistria (vùng ly khai của Moldova).

Trước động thái trên của Moldova, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo rằng đây là bước đi "thù địch" và Moscow "sẽ không để yên cho quyết định này".

Căng thẳng tiếp tục dâng cao khi tới ngày 30/11, hãng thông tấn Interfax dẫn lời Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Moldova Nicu Popescu cho biết, nước này yêu cầu Nga rút quân khỏi Transnistria.

Nước châu Âu nhắm mục tiêu vào 1.500 lính Nga, căng thẳng dâng cao: Moscow được kêu gọi hành động ngay - Ảnh 1.

Moldova yêu cầu Nga rút quân khỏi Transnistria.

Thông qua tài khoản chính thức trên mạng xã hội, ông Popescu nêu rõ: "Nga nên rút quân khỏi khu vực Transnistria. Việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi tiến đến giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Transnistria".

Theo cơ quan báo chí của Bộ Ngoại giao Moldova, yêu cầu chính thức đối với Nga được đưa ra trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra tại Bắc Macedonia (khai mạc ngày 30/11).

Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Thủ tướng Moldova Dorin Recean nhấn mạnh:"Moldova đang tham gia vào một quá trình cho phép tiến tới giải pháp hòa bình hoàn toàn cho Transnistria.

Điều đó đi kèm với việc Nga phải rút quân và sơ tán vũ khí, đạn dược. Nga có nghĩa vụ phải làm điều đó. Chúng ta nên yên tâm rằng Nga sẽ thực hiện lời hứa của mình. Đây chính là ý nghĩa của phi quân sự hóa".

Tuy nhiên, vị thủ tướng lưu ý rằng ông không nói tới việc kết thúc hoạt động gìn giữ hòa bình được Nga thực hiện theo thỏa thuận với Moldova vào ngày 21/7/1992.

"Tôi đang nói về Nhóm hoạt động của lực lượng Nga, bao gồm hơn 1.500 binh sĩ Nga đóng quân tại Cộng hòa Moldova mà không có lý do chính đáng. Trong khi đó, Nga đã nhiều lần tái khẳng định nghĩa vụ rút nốt phần còn lại của Quân đoàn 14 trước đây" - Ông Recean cho hay.

Hiện chưa rõ tuyên bố mới của Ngoại trưởng Popescu có bao gồm cả các binh sĩ Nga làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hay không.

Moldova báo động vì lính Nga

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được đưa vào Transnistria sau khi ký thỏa thuận với Moldova vào ngày 21/7/1992 về giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Transnistria.

Theo ấn phẩm Balkan Insight của Mạng điều tra Balkan (BIRN) đặt tại Serbia, phái đoàn gìn giữ hòa bình tạiTransnistria có tổng quân số 1.500 người, bao gồm các binh sĩ Moldova, Nga và Transnistria.

Riêng Nga duy trì khoảng 1.500 binh sĩ ở Transnistria, chia thành "lực lượng gìn giữ hòa bình” và Nhóm hoạt động của lực lượng Nga (OGRT) làm nhiệm vụ bảo vệ kho đạn dược ở Cobasna - nơi đang cất giữ hơn 20.000 tấn đạn dược sau khi quân đội Liên Xô rút khỏi các nước châu Âu.

Các binh sĩ OGRT được Moldova xem là người đang cư trú bất hợp pháp và không được ủy quyền.

Theo TASS, số binh sĩ làm nhiệm vụ ở Cosbana khoảng 1.000 người (ít hơn con số mà Thủ tướngRecean đưa ra).

Nước châu Âu nhắm mục tiêu vào 1.500 lính Nga, căng thẳng dâng cao: Moscow được kêu gọi hành động ngay - Ảnh 2.

Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga ở Transnistria. Ảnh: topwar

Balkan Insight cho hay, đầu năm nay, việc binh lính Nga đóng tại Transnistria tiến hành các cuộc diễn tập quân sự mà không được sự đồng ý của Chisinau đã đặt Moldova vào tình trạng báo động.

Phái đoàn Moldova tại Ủy ban Kiểm soát Thống nhất (gồm các đại diện từ Nga, Moldova và Transnistria) cho biết, từ tháng 2 đến tháng 4/2023, xe bọc thép của Nga đã di chuyển ra ngoài phạm vi hoạt động của Lực lượng gìn giữ hòa bình. Việc di chuyển không báo trước của các phương tiện quân sự Nga đã khiến cảnh sát Moldova bối rối.

Đáng nói, nòng pháo xe bọc thép lại hướng về phía trạm kiểm soát của cảnh sát Moldova nên hành động của lực lượng Nga được phía Moldova nhìn nhận như nguy cơ của một cuộc tấn công.

Về phần mình, phía Nga giải thích rằng việc di chuyển khí tài của họ chỉ nhằm mục đích kiểm tra thiết bị.

Nga cảnh báo "nạn nhân tiếp theo"

Phản ứng trước các động thái gần đây của Moldova, trong tuyên bố đưa ra hôm 30/11 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao OSCE, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cảnh báo:"Moldova về cơ bản đã sẵn sàng trở thành nạn nhân tiếp theo trong cuộc chiến tranh hỗn hợp mà phương Tây tiến hành chống lại Nga".

Theo ông Lavrov, bản ghi nhớ Kozak - lẽ ra có thể giải quyết mối quan hệ giữa Moldova và Transnistria 20 năm trước - đã bị "phá hủy một cách không chính đáng".

Bản ghi nhớ Kozak là một kế hoạch năm 2003 do Nga đề xuất nhằm giải quyết mối quan hệ giữa Moldova và Transnistria. Tuy nhiên, cuối cùng Tổng thống Moldova lúc đó là ông Vladimir Voronin đã bác bỏ bản ghi nhớ này

"Bản ghi nhớ Kozak, lẽ ra có thể giải quyết mối quan hệ giữa Moldova và Transnistria 20 năm trước một cách đáng tin cậy, nhưng nỗ lực này đã bị trật bánh.

Chính EU đã phá hủy một cách không chính đáng" đề xuất này ngay cả sau khi Chisinau và Tiraspol tạm thời phê duyệt nó. Bây giờ họ đang giết chết định dạng 5+2, điều cuối cùng còn sót lại từ những nỗ lực chung nhằm giải quyết vấn đề Transnistria" - Ông Lavrov nói.

Liên quan tới sự hiện diện của lính Nga ở Transnistria, ông Lavrov từ lâu đã đưa ra cảnh báo cho Moldova.

Trong một phát biểu vào tháng 9 năm ngoái, ông Lavrov yêu cầu Moldova không gây nguy hiểm cho quân đội Nga ở Transnistria, đồng thời nhấn mạnh nguy cơ châm ngòi cho cuộc đối đầu quân sự với Nga.

"Bất cứ hành động nào đe dọa an ninh của quân đội chúng tôi sẽ bị coi là hành động tấn công vào Nga theo luật pháp quốc tế" - Ông Lavrov nói.

Bình luận về tình hìnhTransnistria và phát biểu của ông Lavrov khi trả lời phỏng vấn độc quyền hãng tin ANNA News (Nga) ngày 2/12, chính trị gia Dmitry Soin, đồng thời là cựu nhân viên cơ quan an ninh Transnistria cho biết, 250.000 "con tin" ở Transnistria - với hộ chiếu Nga - đang chờ sự giúp đỡ từ Moscow. ÔngSoin nhấn mạnh rằng, thời gian choTransnistria sắp hết.

"Thời gian cho Transnistria độc lập sắp hết. Bị kẹt giữa Moldova và Ukraine, Transnistria có thể đang gặp nguy hiểm nghiêm trọng. Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công liên hợp từ Lực lượng vũ trang Ukraine và Quân đội Moldova, chúng ta có thể sẽ chứng kiến ​​một thảm họa lớn đối với 'thế giới Nga" - Ông Soin nhấn mạnh.

Chính trị gia này cho rằng đây là lúc Nga phải hành động nhanh, dứt khoát và quyết đoán, đồng thời nhấn mạnh rằng vấn đề Transnistria phải được giải quyết sớm theo hướng có lợi cho Moscow và các công dân Nga sống tại Transnistria.

https://soha.vn/nuoc-chau-au-nham-muc-tieu-vao-1500-linh-nga-cang-thang-dang-cao-moscow-duoc-keu-goi-hanh-dong-ngay-20231203183027278.htm

Bài liên quan
Nga tuyên bố sẽ tấn công binh lính Pháp ở chiến trường Ukraine
Hôm nay (8/5), Nga cảnh báo Pháp rằng, nếu Tổng thống Emmanuel Macron đưa quân đến Ukraine, lực lượng Pháp sẽ trở thành mục tiêu chính đáng của quân đội Nga.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nước châu Âu nhắm mục tiêu vào 1.500 lính Nga, căng thẳng dâng cao: Moscow được kêu gọi hành động ngay