Trả lời báo Thanh Niên, TS-BS Nguyễn Thị Sơn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cơ sở 3, cho biết, việc quan tâm và theo dõi kỹ lưỡng thể trạng của bản thân giúp bạn lựa chọn được các loại trái cây phù hợp. Do đó, trước khi quyết định uống nước dừa, hãy đảm bảo bạn không thuộc các nhóm đối tượng sau đây:
Thể trạng âm hàn
Nước dừa không hẳn là sự lựa chọn "hoàn hảo" với người có thể trạng âm hàn (tay chân rất dễ bị lạnh). Thức uống này có tính mát, nếu uống quá nhiều sẽ gây mất cân bằng "âm dương" của các hoạt động trao đổi chất, gây suy nhược cơ thể và đuối sức.
Mang thai 3 tháng đầu
Trong thời kỳ tam cá nguyệt thứ nhất, bào thai thường chưa bám chắc vào thành tử cung của người mẹ, do đó, nếu sử dụng nước dừa có tính hàn sẽ làm lạnh cơ thể và tiềm ẩn nguy cơ sẩy thai.
Bên cạnh đó, hội chứng ốm nghén trong giai đoạn này có thể trở nên trầm trọng hơn bởi uống nước dừa thường xuyên sẽ gây đầy bụng và rối loạn tiêu hóa.
Lưu ý khác khi uống nước dừa
Giấc ngủ ban đêm rất quan trọng, chúng ta cần ngủ sâu đủ từ 6 - 8 tiếng nhưng nếu trước khi đi ngủ bạn uống nhiều nước dừa thì chu trình này sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, thời điểm tốt nhất để dùng nước dừa là buổi sáng hoặc buổi chiều. Vị ngọt tự nhiên của nước dừa đã rất hấp dẫn và không cần pha thêm đường hay các chất tạo ngọt khác. Bên cạnh đó, bạn nên uống nước dừa nguyên chất, hạn chế sử dụng nước dừa đóng lon sẵn.
Đối với những người bệnh có các vấn đề về tim mạch, đái tháo đường, bệnh thận mạn, rối loạn điện giải, nhạy cảm với nước dừa,… trước khi sử dụng cần phải có tham vấn từ bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Nước dừa cũng như các loại thực phẩm khác nếu sử dụng đúng cách sẽ mang đến nhiều lợi ích tốt cho cơ thể. Bạn hãy tuân thủ khi sử dụng để tránh các vấn đề không mong muốn xảy ra nhé.