Ngoại trưởng quốc gia thành viên NATO cho biết, nước này từ lâu đã có ý định gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Ông Hakan Fidan – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh: RT)
Hôm 4/6, phát biểu trong chuyến thăm 3 ngày tại Trung Quốc, ông Hakan Fidan – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ – cho biết, nước này mong muốn gia nhập BRICS và sẽ thảo luận vấn đề này trong cuộc gặp sắp tới với các đại diện từ Nga.
Trả lời báo giới, ông Fidan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi rất lâu để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU), nhưng không được đáp ứng.
“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi coi BRICS là một lựa chọn tốt để hội nhập”, ông Fidan nói hôm 4/6, trong một sự kiện tại Trung tâm Trung Quốc và toàn cầu hóa (CCG), Bắc Kinh.
Ông Fidan cho hay, mặc dù BRICS vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” để phát triển, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã “nhìn thấy tiềm năng” của nhóm.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ mong muốn được gặp các đại diện từ Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Iran, Ai Cập, Ethiopia, Ả Rập Saudi và UAE (các nước thuộc BRICS) để thảo luận về vấn đề gia nhập.
Ngoại trưởng các nước thành viên BRICS dự kiện nhóm họp vào tuần tới tại thành phố Nizhny Novgorod (Nga), theo RT.
NATO chưa bình luận về phát biểu mới của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này đến nay vẫn là một thành viên quan trọng và có tiềm lực quân sự lớn của NATO.
Phát biểu hôm 4/6 tại Moscow, ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Điện Kremlin – hoan nghênh ý định gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Peskov cho biết, tư cách thành viên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được BRICS thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh dự kiến tổ chức vào tháng 10/2024.
“Rõ ràng là tất cả chúng tôi đều hoan nghênh sự quan tâm của các nước thành viên với BRICS, đặc biệt là với những đối tác quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS do Nga chủ trì”, ông Peskov nói.
Theo RT, BRICS chủ yếu hợp tác về kinh tế và đây không phải khối quân sự.
Các nước thành viên BRICS hiện chiếm hơn 30% GDP toàn cầu và 45% tổng dân số thế giới. Nhóm cũng chiếm hơn 40% sản lượng dầu của thế giới.