Trồng người

Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ: Khó mà không khó

Hà Minh 25/12/2023 06:43

(GDTĐ) - Ngành khoa học tâm lý đã khẳng định, những người lạc quan sẽ ít bệnh tật hơn, ít chịu ảnh hưởng do stress gây ra và luôn biết cách tận hưởng những niềm vui trong cuộc sống. Cha mẹ có thể giúp con bồi dưỡng tinh thần lạc quan như thế nào?

anh-bai-lac-quan.jpg
Cha mẹ cần nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ.

Tinh thần lạc quan là gì?

Trong cuộc sống luôn chứa đựng những thử thách, đòi hỏi chúng ta phải vững vàng vượt qua. Nếu nhìn theo hướng bi quan, chắc chắn những khó khăn trước mắt sẽ khiến chúng ta bị đánh bại, không dám vượt qua và do đó, không thể đạt được mục tiêu. Người có tinh thần lạc quan sẽ biến khó khăn thành cơ hội, dũng cảm đương đầu với thử thách và chấp nhận mọi rủi ro có thể gặp phải trên hành trình chinh phục thành công.

Lạc quan là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh và tích cực trước mọi tình huống cho dù là bất lợi, giúp con người ta luôn cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản. Một số nghiên cứu cho thấy có những người luôn lạc quan trong phần lớn cuộc đời của họ ngay cả khi phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng.

Lạc quan không phải là đặc tính bẩm sinh. Muốn tạo dựng tinh thần lạc quan cần thời gian, sự tự tin của bản thân và sự hỗ trợ của bố mẹ, gia đình. Niềm lạc quan giúp trẻ không thấy sự thất bại là một thảm kịch và biết tận hưởng niềm vui khi đạt được bất kỳ thành công nào trong cuộc sống.

anh-bai-lac-quan-2.jpg
Luôn đồng hành và tạo tinh thần lạc quan cho trẻ.

Bồi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ

Cha mẹ đóng vai trò then chốt trong việc bồi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ. Không chỉ làm gương, cha mẹ còn là người hướng dẫn cho con, củng cố sự tự tin của con bằng tình yêu thương vô điều kiện của mình.

Củng cố sự tự tin cho con

Nếu con làm vỡ một chiếc cốc, cha mẹ lập tức la mắng hoặc chì trích trẻ hoặc nói những lời nặng nền như: “Đồ ngu, có mỗi việc cỏn con này mà làm cũng không xong.” Con trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm và hạ nhục. Nhưng nếu cha mẹ nói: “Không sao, lần sau con hãy chú ý hơn. Giờ thì tìm cách dọn dẹp cẩn thận những mảnh vỡ đi thôi”. Con trẻ sẽ cảm thấy được an ủi và tôn trọng. Hơn nữa, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.

Đừng khen ngợi con một cách quá đà

Cha mẹ yêu thương con vô điều kiện, động viên con và luôn khen ngợi những thành tích mà con đạt được. Tuy nhiên, đừng khen ngợi con một cách quá đà. Khen ngợi con mà không phân biệt rõ phải trái trắng đen thì trái lại, cha mẹ chỉ càng làm tăng thêm cảm giác thiếu sự giúp đỡ ở trẻ. Bởi trẻ luôn có một trực giác sắc bén đối với sự khen ngợi quá mức. Chúng sẽ trở nên tự kiêu và tự mãn với bản thân.

Luôn cổ vũ, động viên con

Cổ vũ còn bằng lời nói khẳng định “Con có thể làm tốt!” để con hiểu rằng con sẽ đạt được mục tiêu khi con nỗ lực và thực sự quyết tâm. Cổ vũ con cũng là giúp đỡ con giữ vững tất cả những mục tiêu kỳ vọng trong thực tế. Cha mẹ chỉ cần biểu dương con trong từng bước tiến triển dù là nhỏ nhất hướng tới mục tiêu lớn của trẻ.

Hãy sống lạc quan

Khi cha mẹ biểu lộ cách sống lạc quan, vui vẻ, luôn nói những lời lạc quan tích cực thì con cái cũng sẽ học tập và làm theo cách sống của cha mẹ.

Thay vì nói “Con đá bóng ngu quá”, Cha mẹ hãy nói “Con vừa mới tập đá bóng, đá như vậy cũng là giỏi lắm rồi, sau này cố gắng tập luyện hơn, con nhất định sẽ trở thành vua bóng đá ấy chứ!”

Tận dụng sự ảnh hưởng của bạn bè đối với con trẻ

Thành tích của trẻ mà được bạn bè thừa nhận thì sẽ tăng thêm lòng tự tôn của trẻ, hơn nữa, còn có lợi cho việc bồi dưỡng phẩm chất lạc quan trong đời sống hàng ngày của trẻ.

Cha mẹ cũng nên thường xuyên trao đổi với con trẻ về cách giao lưu với bạn bè, làm thế nào để có được sự tôn trọng của bạn bè, làm thế nào có thể giữ được tình bạn thắm thiết…

Cha mẹ hãy mở rộng phạm vi hoạt động của trẻ, khuyến khích trẻ thường xuyên học tập người khác, nhất là những bạn bè xung quanh trẻ.

Với mỗi người bạn, cha mẹ đều cần hướng dẫn con phân tích, nhìn nhận những điểm mạnh, điểm yếu của bạn để tự có cách xử lý các mối quan hệ bằng thái độ lạc quan tích cực.

Cuối cùng, cha mẹ nên giải thích để trẻ hiểu rằng, trong quá trình sống và học tập con sẽ nhận ra và có những thay đổi trong hành vi, thái độ rồi mọi điều sẽ dần tốt đẹp hơn.

Hãy lạc quan yêu đời, không nản lòng trước những thất bại và đừng bao giờ bi quan. Cuộc đời còn rất nhiều điều tốt đẹp đang đón chờ ở phía trước.

Bài liên quan
Rèn kỹ năng xã hội giúp trẻ tự tin trong thời đại số
(GDTĐ) - Trong thời đại 4.0, trẻ có kỹ năng tốt sẽ tự tin hơn và có nhiều cơ hội rộng mở trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan cho trẻ: Khó mà không khó