Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề thi tham khảo sẽ tổ chức tập huấn giáo viên phân tích đề, xây dựng ma trận đề, ra đề tương tự để ôn tập, kiểm tra học sinh, đánh giá sự tiến bộ qua từng bài kiểm tra. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá; khai thác hiệu quả nền tảng Microsoft Teams và các phần mềm hỗ trợ khác để từng bước triển khai các hoạt động kiểm tra, đánh giá, thi trực tuyến, bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Sở GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường tổ chức thi thử theo tháng và theo môn lựa chọn, kết hợp với kết quả của năm học trước hoặc của kỳ liền kề để có kế hoạch phụ đạo, bổ sung kiến kiến thức, điều chỉnh phương pháp dạy học để học sinh tự tin bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đạt chỉ tiêu đề ra. Các đơn vị tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng phụ đạo học sinh yếu kém.
Ông Bạch Đăng Khoa cũng cho biết: Sở GD&ĐT Bắc Giang dự kiến tổ chức 2 kỳ thi thử tốt nghiệp cho học sinh lớp 12; trong đó 1 kỳ thi thử đầy đủ các môn thi (dự kiến tháng 3) để đánh giá sơ bộ tỷ lệ tốt nghiệp THPT và 1 kỳ thi theo số báo danh, địa điểm xác định cho học sinh làm quen không khí trường thi (trước kỳ thi chính thức).
Tỉnh An Giang đã tổ chức Hội nghị chuyên đề công tác “ôn tập thi tốt nghiệp THPT” năm 2022, lãnh đạo Sở GD&ĐT trực tiếp chủ trì. Chia sẻ của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh, hội nghị diễn ra trong 4 ngày (từ 15 - 24/2) dành cho tổ trưởng chuyên môn và giáo viên bộ môn dạy lớp 12 của 9 môn học (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); nội dung là định hướng công tác xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy để dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ngày 25/2 có hội nghị riêng cùng chủ đề cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường THCS - THPT, trường THPT, cơ sở giáo dục thường xuyên. Nội dung xoay quanh công tác xây dựng kế hoạch, quản lý, tổ chức dạy học ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đáp ứng với tình hình dịch bệnh trong năm học 2021 - 2022, và học sinh lớp 12 được trở lại trường học trực tiếp từ ngày 14/2.
Đổi mới phương pháp phù hợp với thực tế
Dạy học trực tuyến được cho là giải pháp hữu hiệu trong mùa dịch khi học sinh không thể đến trường. Tuy nhiên, khi triển khai dạy học trực tuyến, cả học sinh và giáo viên đều gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, hiệu quả mang lại chưa được như mong đợi. Do đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là một thử thách đối với các sĩ tử. Chia sẻ điều này, thầy Trần Liên Quang, giáo viên Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, cho rằng: Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu đối với học sinh cần nỗ lực ôn luyện nhiều hơn nữa, quan trọng nhất là phải đổi mới phương pháp học tập cho phù hợp với tình hình thực tế.
Cùng với nhiều cách thức, phương pháp học tập khác, theo thầy Trần Liên Quang, học sinh cần phân chia quỹ thời gian còn lại của năm học thành từng giai đoạn để ôn tập. Mỗi giai đoạn tập trung hướng đến một mục tiêu nhất định nào đó, qua từng giai đoạn mục tiêu cũng sẽ được nâng lên từng bước. Chẳng hạn, giai đoạn đầu nên tập trung củng cố kiến thức cơ bản và giải quyết các bài tập ở mức độ nhận biết (câu hỏi dễ). Các giai đoạn tiếp sau nâng dần lên giải quyết bài tập ở mức độ hiểu, rồi vận dụng (câu hỏi khó). Tránh ôn tập ôm đồm, vội vàng cùng lúc giải quyết hết các dạng câu hỏi ở nhiều mức độ khi chưa củng cố vững những kiến thức nền.
Thời gian học trực tuyến vừa qua kéo dài, có thể học sinh ít có điều kiện để thảo luận, trao đổi bài học cùng bạn bè của mình. Nhắc lại câu “Học thầy không tày học bạn”, thầy Trần Liên Quang nhấn mạnh: Việc ôn tập với bạn bè rất hiệu quả. Tùy điều kiện thực tế, học sinh có thể tạo nhóm (nhóm chung hoặc nhóm theo từng bộ môn) khoảng 3 - 4 bạn để cùng học.
Nhóm có thể hoạt động theo hình thức trực tiếp hoặc kết hợp vừa trực tiếp vừa trực tuyến. Và để hoạt động hiệu quả, nhóm cũng cần đặt ra những mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc và phân công nhiệm vụ rõ ràng. Điều cần lưu ý là các nhóm nhất thiết phải có sự kết nối với giáo viên bộ môn thường xuyên, vì chính thầy cô sẽ là người định hướng tốt nhất để nhóm đi đúng hướng, nhất là khi gặp những vấn đề khó cần giải quyết.
Ôn tập tốt, nhưng quyết định lại ở thời điểm làm bài thi. Đưa lời khuyên, cô Lê Thị Quyên, giáo viên Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên, lưu ý: Trong khi làm bài, thí sinh nên bình tĩnh, tự tin, không quá lo lắng, nhớ ghi đầy đủ các thông tin cá nhân trong bài làm (họ tên, ngày sinh, số báo danh, trường…).
Đọc kỹ đề, gạch chân những từ khóa trong câu dẫn để xác định đáp án dễ dàng hơn. Cần quản lý, sắp xếp thời gian hợp lý khi làm bài thi. Làm đến đâu, tô vào phiếu trả lời ngay đến đó, tránh trường hợp đến gần cuối giờ mới tô vào phiếu và tô không kịp. Nên làm theo trình tự câu dễ làm trước, khó làm sau, không dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi; đồng thời, đọc, kiểm tra kỹ lại bài trước khi nộp bài.