Dẫu vậy, việc thị giá NVL chưa có cải thiện rõ rệt khiến ông Nhơn không còn xuất hiện trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 của Forbes. Danh sách này đồng thời ghi nhận sự chênh lệch đáng kể về khía cạnh giá trị tài sản trong nhóm tỷ phú Việt Nam so với năm ngoái.
Tình cảnh trái ngược của cổ phiếu HPG và NVL. Ảnh: TradingView. |
Tại thời điểm Forbes chốt giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái (ngày 10/3), 6 tỷ phú Việt sở hữu 12,6 tỷ USD, giảm 8,6 tỷ USD. Tính đến ngày 26/6, nhóm này ghi nhận 3 tỷ phú suy giảm giá trị tài sản so với đầu năm là ông Phạm Nhật Vượng (từ 4,3 tỷ USD xuống 4,2 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (từ 2,2 tỷ USD xuống 2,1 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (từ 1,3 tỷ USD xuống 1,2 tỷ USD). Bên cạnh đó có 2 tỷ phú không ghi nhận biến động là ông Hồ Hùng Anh (sở hữu 1,5 tỷ USD) và ông Trần Bá Dương cùng gia đình (1,5 tỷ USD).
Trong khi đó, ông Trần Đình Long là tỷ phú Việt duy nhất gia tăng tài sản, nâng từ 1,8 tỷ USD lên 2,1 tỷ USD. Như vậy sau hơn nửa năm qua kể từ thời điểm tài sản mất mốc 1 tỷ USD, chủ tịch Hòa Phát đã có thêm 1,1 tỷ USD.
Kể từ ngày 9/11/2022-25/6/2023, thị giá mã chứng khoán HPG đã tăng 95%, từ 13.000 đồng/cổ phiếu lên 25.400 đồng/cổ phiếu. Riêng từ đầu năm nay, giá cổ phiếu HPG đã tăng 41%.
Hiện ông Long vẫn là cổ đông lớn nhất tại Hòa Phát với hơn 1,51 tỷ cổ phiếu HPG nắm giữ, tương đương 26,08% vốn. Nhờ đà tăng mạnh trên thị trường, cổ phiếu HPG cũng giúp khối tài sản từ cổ phiếu của chủ tịch Hòa Phát vượt 38.500 tỷ đồng.
Nếu tính riêng giá trị tài sản căn cứ theo lượng cổ phiếu nắm giữ trực tiếp tại các doanh nghiệp (không tính phần cổ phiếu nắm qua công ty liên quan và người thân), ông Trần Đình Long đã vượt qua ông Phạm Nhật Vượng (hiện nắm 690 triệu cổ phiếu VIC trị giá gần 36.000 tỷ đồng) để trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.